Trị chứng hơi thở có mùi hôi

(khoahocdoisong.vn) - Trong Đông y các chứng bệnh từ miệng có nhiều, như lở miệng, trong miệng lở loét, ban trắng trong miệng, hôi miệng, đắng miệng, miệng khát, lưỡi sưng... Dưới đây là một số bài thuốc trị hơi thở hôi.

Hơi thở hôi do vị hỏa nhiệt bốc lên. Triệu chứng: Miệng hôi, khát nước, bụng cồn cào hay đói, nước tiểu vàng đỏ, đại tiện táo kết. Điều trị: tả vị hỏa, giải nhiệt kết. Bài thuốc Khổng thị thanh vị phương: Sinh thạch cao 20g, tri mẫu 12g, mạch môn 10g, xạ can (đã bào chế) 12g. Ngày uống một thang sắc chia 2 lần uống trong ngày uống trước khi ăn.

Chứng hôi miệng do thực tích hóa nhiệt uất trệ ở trong. Triệu chứng: Bụng luôn trướng đầy, phản vị (trào ngược), ợ hơi khát nước, đại tiện táo bón, rêu lưỡi vàng dày nhớt. Điều trị: Hòa vị sơ trệ tiết nhiệt trừ tích. Bài thuốcHòa vị sơ trệ phương: Hoàng liên 2g, bạch linh 10g, hoàng cầm (sao) 10g, bán hạ (chế) 6g, trần bì 6g, ngô thù du 4g, tân lang 10g, sơn tra 10g, chỉ xác 10g hậu phác 6g, đại hoàng (chế) 10g, thần khúc 10g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả. Tán bột mịn, ngày uống 3 lần mỗi lần 10g sau khi ăn. Đun nước gừng và đại táo làm thang chiêu thuốc.

Đắng miệng

Chứng đắng miệng do can đởm hỏa vượng bốc lên. Triệu chứng: Miệng đắng, họng khô đau vùng vị quản, chất lưỡi đỏ. Điều trị: Bình can thông lợi đởm, nhuận mật lý khí. Bài thuốc Trúc nhự thanh vị ẩm: Trúc nhự 12g, bồ công anh 15g, thạch hộc 10g, mạch môn 15g, bạch thược 12g, lô căn 30g, chỉ xác 10g, thạch cao (chế) 15g, bạc hà 6g, cam thảo 6g. Nếu vị quản đau nhiều dùng bạch thược  20g, cam thảo 12g, gia huyền sâm 15g, nếu viêm dạ dày gia hà nhi trà 10g, ngọa bạng tử 15g, bỏ thạch hộc. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống trước khi ăn.

Lưỡi khô

-Do tâm hoả vượng làm tổn thương tân dịch âm và khí đều hư. Triệu chứng: Lưỡi khô đỏ, ít rêu, môi ráo nứt nẻ, ăn kém, đại tiện khó đi.  Điều trị: dưỡng âm nhuận táo, ích khí sinh tân. Bài thuốc Khí âm song bổ đường tương: Thái tử sâm 30g (có thể thay bằng sâm Cao ly 20g), mạch môn 12g, bắc sa sâm 12g, sinh địa 12g, thạch hộc 30g, hoài sơn 30g, nữ trinh tử (chế) 15g, mạch nha 10g, thiên hoa phấn 15g, trần bì 10g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

-Do can thận âm hư kiêm khí hư. Triệu chứng: Miệng khô lưỡi ráo, chất lưỡi đỏ tía ít rêu, khát nước, nước tiểu sẻn đỏ, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưng gối đau mỏi. Điều trị: Bổ can ích thận, tư âm ích khí. Bài thuốc Hình thị nhuận táo thang: Sinh địa 30g, đương qui 12g, bắc sa sâm 20g, hoài sơn 12g, thạch hộc 20g, bạch thược 15g, hoa kỳ sâm 6g, cẩu kỷ tử 15g, mạch môn 15g, thiên hoa phấn 20g, huyền sâm 20g, hoàng kỳ 30g, tri mẫu 15g. Ngày uống một thang sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày uống sau khi ăn.

Đau răng

-Do ăn nhiều thức ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia, phong hỏa nhiệt độc xông lên sinh chứng đau răng. Triệu chứng: Chân răng sưng đau khát nước, gặp lạnh thì đỡ đau. Điều trị: Sơ phong tán hỏa, mát huyết tiêu sưng. Bài thuốc Nha thống thang: Thăng ma 12g, sinh cam thảo 4g, cát căn 12g, xích thược 8g. Nếu bệnh nghiêng về chứng phong gia kinh giới 12g, phòng phong 8g, bạc hà 6g. Nếu bệnh nghiêng về hỏa vượng gia: hoàng cầm 10 g, liên kiều 10g, đan bì 8g, sinh địa 15g, ngưu bàng tử 10g. Nếu đau lâu không khỏi gia: Sài hồ 6g, tri mẫu 10g. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống lúc đói.

-Do thận âm hư hỏa vượng người cao tuổi đau răng không chịu nổi. Triệu chứng: Chân răng lung lay, nơi đau thích mát sợ nóng, họng khô, gò má đỏ, lưng đau đùi mỏi. Điều trị: tư âm giáng hỏa. Bài thuốc Địa hoàng thang gia vị: Tri mẫu 10g, sinh địa 10g, phục linh 10g, trạch tả 6g, cao qui bản 10g, hoàng bá 10g, hoài sơn 10g, đan bì 6g, sơn thù 6g.  Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống trước khi ăn.

Chân răng chảy máu

Chân răng chảy máu Đông y gọi là sĩ nục thường do âm hư huyết nhiệt. Triệu chứng: Bệnh nhân thường xuyên máu chân răng chảy ra có màu đỏ thẩm, chân răng không sưng, miệng khô họng ráo, lưỡi đỏ chót ít rêu, mạch tế sác. Điều trị: Dưỡng âm thanh nhiệt mát huyết chỉ huyết. Bài thuốc Nha tuyên diệu phương: Sinh địa 30g, hoàng liên 10g, tri mẫu 12g bồ hoàng (sao) 10g, thanh đại 10g, đan bì 15g, hoàng bá  10g, địa cốt bì 30g, nhân trung bạch (chế) 10g. Ngày uống một thang sắc 3 lần trộn lẫn các nước sắc với nhau uống 4 lần trước khi ăn và một lần trước khi đi ngủ.

Thuốc Nam chữa bệnh răng miệng

Cây lấu tên khác là lấu bà, lấu đỏ, bồ chát, bầu giác, cây chao, men sứa, lá tản, huyết ty. Tên khoa học Psychotria rubra (Lour) poir thường dùng lá, có vị đắng, chát mỗi lần dùng 30g lá khô đun với 1 lít nước lấy 500 ml, ngậm súc miệng ngày 2 lần sáng và tối điều trị các bệnh về răng miệng rất tốt, nhất là chứng sâu răng.

TTND. BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top