Trẻ tự kỷ học làm xiếc

Những năm gần đây, nhiều ông bố, bà mẹ đã đưa con mình “ra ngoài” học tập, hòa nhập với xã hội. Ở Hà Nội, những bạn nhỏ này được rèn theo cách đặc biệt: học làm xiếc.

Tháng 5-2017, câu chuyện về cậu bé Nguyễn Khôi Nguyên (16 tuổi, ở Hà Nội) mắc bệnh tự kỷ dạng tăng động, giảm chú ý được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.

Và đây là câu chuyện nhân ngày 2-4, ngày Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ.

Xiếc và sự cân bằng thần kinh

26 bạn nhỏ rời xa vòng tay yêu thương của gia đình đang nhờ đến sự trợ giúp của các thầy cô giáo tại Trung tâm Tâm Việt (Hà Nội).

Có em bị tự kỷ đột nhiên la hét, đập đầu vào tường, có em tự làm đau, làm mình chảy máu, thậm chí đánh thầy cô giáo, có em bị bại não không điều khiển được cơ thể.

Khôi Nguyên là học sinh của lớp học đặc biệt này.

Thay vì dỗ dành hay trông trẻ, một phương pháp đặc biệt được các thầy cô ở đây áp dụng: dạy làm xiếc, rèn luyện sự tập trung, kiên tâm để các em không chú tâm vào những việc khác. Trong quá trình học giúp các em vận động và nhanh nhẹn hơn.

Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên cũng bởi người bình thường làm xiếc đã khó, cần nhanh nhẹn, hoạt bát, huống hồ là một đứa trẻ tự kỷ?

Nhưng đến lớp học này mọi người được chứng kiến cảnh 26 bạn nhỏ đang hào hứng, say mê tập tung hứng bóng, đội chai trên đầu, đứng trên con lăn hay tập đi xe đạp một bánh… trên nền nhạc du dương.

Những bài tập này là một phần của bộ môn xiếc.

Thầy Phan Quốc Việt, chủ tịch hội đồng sáng lập Trung tâm Tâm Việt, cho biết sau nhiều năm nghiên cứu, thầy nhận thấy việc sử dụng thuốc dành cho những đứa trẻ tự kỷ, trẻ gặp vấn đề về thần kinh không mang lại hiệu quả cao, phương pháp điều trị thụ động khiến các em khó hòa nhập cuộc sống.

Năm năm trước, thầy quyết định mở một lớp học xiếc với các bài tập tích hợp: đội chai, tung bóng, đứng con lăn hay đạp xe một bánh.

Theo thầy Việt, đội chai giúp trẻ tự kỷ rèn luyện sự tập trung cao độ, mấu chốt khi tập cho trẻ tăng động là kiên tâm.

Tung bóng giúp các em kiểm soát đôi tay. Thăng bằng trên con lăn giúp chân năng động, cho các khớp cột sống linh hoạt, tập trung, tĩnh tâm. Và xe đạp một bánh đòi hỏi trẻ phải tập trung, khéo léo.

Điều đặc biệt, các thầy cô giáo ở đây dù không được đào tạo biểu diễn xiếc, nhưng để giúp các em đều phải tự mày mò, tự học để hướng dẫn học sinh.

Mới đầu chỉ là bài tập đơn giản tung 1 bóng, 2 bóng, rồi 3 bóng, đứng trên 1 con lăn, 2 con lăn… Dần dà các bé tự kỷ vận động tốt hơn, kiểm soát được hành vi của bản thân.

Lớp học xiếc trở thành ngôi nhà thứ hai giúp các em gần hơn với cộng đồng.

Những bạn nhỏ học tung bóng rèn kiểm soát đôi tay.

Niềm hạnh phúc được đứng trên sân khấu

Khôi Nguyên hồn nhiên, không giấu được niềm cảm xúc khi được đứng trên sân khấu biểu diễn.

“Em được ‘đi’ làm xiếc, được đứng trên sân khấu. Thấy mọi người vỗ tay, tự hào lắm”, Nguyên cười hiền nói, “em còn được tiêu tiền nữa, tiền em kiếm từ biểu diễn xiếc”.

Ở lớp học, câu chuyện về cuộc đời của “kỷ lục gia” Khôi Nguyên là điển hình nhất cho phương pháp giáo dục đặc biệt, thôi thúc tiềm năng của trẻ, nỗ lực của gia đình và thầy cô giáo.

Không chỉ đứng trên sân khấu biểu diễn, nay Khôi Nguyên còn giúp các thầy cô giáo hướng dẫn cho các bé khác ở trong lớp tập tành tung bóng. Bản thân Nguyên đang tập bài tập đứng trên con lăn, đội chai trên đầu và tung 10 bóng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết thời điểm trước Nguyên chỉ… cướp đồ ăn, chạy nhảy lung tung, không phân biệt được giờ giấc, cướp bóng chạy nhanh đi.

“Qua mấy năm ở đây, Nguyên đã giao tiếp tốt, biết ‘nịnh’ thầy cô, biết giúp mọi người làm việc, giúp bưng bê bát đĩa, dọn bàn cơm, giúp các bạn luyện tập. Trẻ tự kỷ đã biết giúp bạn khác tập bóng là điều kỳ diệu”, cô Nga nhận xét.

Hành trình nỗ lực của “kỷ lục gia” Khôi Nguyên.

Cô Nga kể thêm ở lớp học đặc biệt này cũng có nhiều bạn đặc biệt. Bạn Minh có khả năng phán đoán tuổi, ví dụ sinh năm 1995 sẽ đoán được ngay là Ất Hợi, có thể giao tiếp, hát tiếng Anh rất tốt.

Hay bạn An có nhận thức tốt nhưng giao tiếp thì mắt luôn nhìn xuống dưới, thầy cô đang điều trị cho em phương pháp đội chai, đứng con lăn, tung bóng, làm đến 50 lần thì em không còn cười nói một mình, không nhìn lung tung nữa.

Mới đây, em Nguyễn Đình Khánh Hưng cũng xác lập kỷ lục “Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, đứng trên 3 con lăn trong thời gian lâu nhất”.

Trước đó Hưng không chịu ăn cơm, hay la hét, gào thét, đập phá và đánh cô giáo nếu bị bắt ăn cơm. Sau ba tháng huấn luyện, em đã ăn cơm bình thường, nói rõ ràng.

“Khó khăn nhất là bắt các em kiên tâm. Có khi phải một người giữ các em để học, học 24/24. Các em hội nhập được thành công, trở thành những kỷ lục gia xiếc, được xã hội công nhận và quay lại giúp các em khác”, thầy Việt chia sẻ về hướng đi của phương pháp dạy đặc biệt.

“Bạn Nguyên làm được, tôi cũng làm được và sẽ làm giỏi hơn”, thầy khẳng định.

Theo Hà Thanh (Tuổi Trẻ)

Theo Đời sống
back to top