Trẻ hôn mê do ngộ độc paracetamol

(khoahocdoisong.vn) - Sau 4 ngày uống paracetamol bé trai 27 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, hôn mê... nguy cơ tử vong cận kề.

Quá liều gây độc cho gan

Ngày 14/8/2019, Khoa Cấp cứu – Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (27 tháng tuổi, Phú Thọ) có dấu hiệu ngộ độc paracetamol do sử dụng quá liều. Người nhà cho biết 4 ngày nay bé sốt cao từng cơn, ho khò khè nên cho uống thuốc hạ sốt paracetamol 500mg x 4 viên/ngày, đã uống 4 ngày.

Bệnh nhi vào viện trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2 cm. Các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng (pH 7.1) trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc paracetamol.

Bệnh nhi được cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm, 2 giờ sau khi vào viện bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

ThS.BS Phan Hồng Sáng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - Trung tâm Sản Nhi cho biết, cách đây 1 năm cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 3 tuổi tử vong do ngộ độc paracetamol.

Theo TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bạch Mai, tỷ lệ ngộ độc paracetamol đứng hàng thứ hai (sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần). Paracetamol là thuốc có hiệu quả tốt và rất ít có tác dụng phụ ở liều thông thường. Ngộ độc paracetamol gia tăng chủ yếu là do sử dụng quá liều trong giảm đau và hạ sốt.

90% liều dùng paracetamol được chuyển hóa ở gan. Khi vào cơ thể, paracetamol chuyển hóa thành các chất trung gian trong đó có độc tố N- acetyl benzoquinonimin – chất gây độc chủ yếu ở gan. Nó được thải trừ sau khi tiếp tục được chuyển hóa nhờ một chất khác trong gan là glutathione. Vì vậy, nếu uống paracetamol trong  phạm vi liều điều trị, hoặc gan người bệnh không có vấn đề gì thì quá trình giải độc diễn ra suôn sẻ. Nhưng nếu uống quá liều, quá trình đó bị trở ngại do cơ thể không có đủ glutathione. Hậu quả là gan bị nhiễm độc.

Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Sau khi uống vài giờ thì xuất hiện buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi. 1-2 ngày sau có thể xuất hiện đau bụng, sờ thấy gan đau. Suy gan sẽ tiến triển nặng nề trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6. Các triệu chứng gồm vàng da, hôn mê, tăng áp lực nội sọ, đông máu nội mạch, chảy máu, tăng không khí, toan chuyển hoá, hạ đường máu, suy thận và dẫn tới tử vong. Hầu hết các bệnh nhân bị suy gan nặng (hôn mê gan) đều dẫn tới tử vong.

Cẩn thận với các tên gọi khác nhau của paracetamol

ThS Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện TW71 cảnh báo, trong thành phần của đa số thuốc trị nhức đầu, sổ mũi, ho cảm hiện nay hầu như đều có mặt hoạt chất paracetamol phối hợp với các hoạt chất khác như dextromethorphan và loratadin hoặc phenylephrine và chlorpheniramine…Thành phần mỗi hãng ghi một cách khác nhau làm người dùng không biết. Thậm chí có loại thuốc cố tình khi thì ghi paracetamol, khi thì ghi acetaminophen khiến nhầm tưởng đây là 2 thuốc khác nhau nhưng thực tế là một thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc này là đôi khi xảy ra ban đỏ hoặc ban mày đay, nặng hơn có thể kèm theo biểu hiện thương tổn niêm mạc. Khi dùng liều cao >10g sau thời gian 24 giờ xuất hiện hoại tử tế bào gan có thể tử vong sau 5-6 ngày. Vì vậy khi trẻ sốt cao việc dùng paracetamol phải tuân theo liều lượng quy định là 15 mg cho mỗi kg cân nặng của trẻ trong mỗi tiếng, tức là mỗi 6 tiếng cho trẻ dùng 1 lần.

Ví dụ trẻ nặng 20 kg thì cứ cách 6 giờ cho trẻ dùng 300mg paracetamol, không nên nôn nóng cho trẻ dùng nhiều loại thuốc hạ sốt sẽ dẫn đến vượt quá liều quy định bởi vì paracetamol dùng liều cao liên tục gây độc gan. Cho dù dùng dạng hạ sốt nào cũng cần quan tâm đến tổng liều paracetamol xem có vượt quá ngưỡng quy định hay không. Tuyệt đối không dùng cùng lúc nhiều loại thuốc hạ sốt dễ gây tai biến nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của trẻ vốn đang còn tiếp tục hoàn thiện.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top