Trẻ ho, sốt cẩn thận nhiễm virus adeno nguy hiểm

(khoahocdoisong.vn) - Ngoài gây viêm phổi với tỷ lệ tử vong lên đến 8 -10%, virus adeno còn gây ra các bệnh như viêm kết mạc, viêm dạ dày và ruột cấp tính hay viêm bàng quang chảy máu...

Bé Kiều Phương D., phục hồi sau 2 tuần điều trị tại BV Đa khoa Phú Thọ

Tưởng ho sốt thông thường nào ngờ viêm phổi do virus nguy hiểm

Chị Ngọc thấy con trai có dấu hiệu viêm đường hô hấp như ho húng hắng, chảy nước mũi, khó thở nhẹ, không sốt và ăn uống bình thường, cứ nghĩ do thay đổi thời tiết như mọi lần, gia đình đã tự mua thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà. Nào ngờ chỉ hơn 1 ngày sau, bệnh tiến triển nhanh, đưa vào viện thì bé đã suy hô hấp nặng, viêm phổi. Kết quả xét nghiệm là do virus adeno. 

Còn bé Kiều Phương D. (16 tháng tuổi, Tam Nông - Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng sốt, ho 21 ngày không khỏi. Được biết, trẻ có dấu hiệu sốt từng đợt, đã được gia đình đưa đi khám và điều trị nhiều nơi từ 3 tuần nay nhưng chưa khỏi. Trước khi nhập viện 3 ngày, bé sốt cao liên tục, ho nhiều. Trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh, quấy khóc, sốt nóng, da xanh tái, niêm mạc hồng, viêm long đường hô hấp trên, thể trạng nhiễm trùng, có vết loét niêm mạc miệng, ăn kém, đi tiểu sẫm màu. Kết quả xét nghiệm kỹ thuật PCR (kỹ thuật giải trình tự gen) cho thấy bé bị vius adeno.

 BSCKI Bùi Thị Đến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa Phú Thọ cho biết: Adeno là một dạng virus, gây ra các bệnh cấp tính với triệu chứng bệnh đa dạng. Loại virus này chủ yếu lây lan qua đường hô hấp và gây ra các bệnh ở đường hô hấp trên như viêm mũi và đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, từ đó gây ra tình trạng sốt, ho… Viêm phổi do adeno virus gây ra có tỉ lệ tử vong lên đến 8% - 10%. Virus adeno cũng có thể gây ra các bệnh như viêm kết mạc, viêm dạ dày và ruột cấp tính hay viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em.

Phát hiện sớm tránh lây nhiễm và tử vong

BS Phùng Thị Bích Thuỷ, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh do nhiễm adeno là bệnh virus cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, các trường hợp viêm phổi do virus adeno thường nặng, có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng như giãn phế quản, xơ hoá phổi mãn và viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch. Virus adeno có nhiều týp huyết thanh gây bệnh và tùy theo từng týp có thể gây bệnh chủ yếu của cơ quan nào đó trong cơ thể như: Bệnh sốt viêm họng - kết mạc thường do týp 3 và týp 7 gây nên với đặc điểm sốt cấp tính ở trẻ em và gây dịch. Có trường hợp sốt viêm họng nhưng không có viêm kết mạc;

 Bệnh viêm kết mạc 2 bên, phù mi mắt và tổ chức xung quanh hố mắt. Khởi đầu có sốt nhẹ khoảng 3-5 ngày, viêm mũi, viêm họng, sưng hạch 2 bên cổ, đau mắt, sợ ánh sáng, mắt mờ. Khoảng 7 ngày sau, có tới 50% bệnh nhân xuất hiện trên giác mạc có những đám thâm nhiễm tròn, nhỏ và cuối cùng có thể tạo thành những đám loét. Bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần. Bệnh nặng có thể để lại những vết mờ trên giác mạc làm ảnh hưởng đến thị giác trong vài tuần hoặc đôi khi để lại sẹo vĩnh viễn.

 Bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người lớn thường do týp 4, týp 7. Có biểu hiện sốt đến 390C, viêm họng với triệu chứng ho, sổ mũi và sưng hạch bạch huyết vùng cổ và tiến triển đến viêm phổi; Bệnh tiêu chảy cấp do týp 40 và 41 thường gặp ở tuổi trẻ và bệnh viêm bàng quang xuất huyết do týp 11 và 21 gây nên;

Theo BSCKI Bùi Thị Đến, hiện nay bệnh do virus adeno gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phác đồ điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, có thể dùng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm vi khuẩn và quan trọng nhất là phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Đặc biệt, bệnh do adeno virus rất dễ lây truyền vì thế khi phát hiện người thân có những dấu hiệu của bệnh do virus adeno gây ra hãy nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho người bệnh và việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Đồng thời tuân thủ chặt chẽ những biện pháp phòng bệnh cơ bản như: Giữ vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và giặt khăn thường xuyên bằng xà phòng. Không dùng chung đồ dùng của người bệnh như: khăn mặt, bát, đũa, thìa, cốc, chén, giường, chiếu…Sát trùng, tẩy uế đồng thời các đồ dùng của người bệnh trong giai đoạn mắc bệnh cấp tính và sát trùng, tẩy uế lần cuối khi khỏi bệnh.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top