Tránh sai lầm khi xử lý bụi trong gia đình

Bụi là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí gia đình. Tuy nhiên, việc xử lý bụi bẩn trong gia đình không đúng khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà không hề giảm, thậm chí còn làm cho tình trạng bụi trầm trọng hơn.

Xử lý bụi bẩn trong gia đình là vấn đề người dân phải lưu ý.

Càng lau càng phát tán bụi

Bên cạnh những loại bụi to dễ nhìn thấy và xử lý, trong nhà còn có những hạt bụi li ti, siêu nhỏ, thậm chí mắt thường không nhìn thấy được; vì thế việc vệ sinh bụi cần được quan tâm. Vệ sinh nhà cửa là việc mọi người vẫn thường làm. Tuy nhiên, nhiều người chỉ lau sàn nhà, chứ không thường xuyên lau các đồ đạc trong nhà, hoặc khi lau đồ đạc lại thường dùng giẻ khô để lau bụi. Những việc này là rất sai lầm.

TS Lê Thái Hà, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, cho biết, kết quả kiểm tra của Viện trong những năm vừa qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà là khá phổ biến. Để cải thiện chất lượng không khí trong nhà, cần phải giảm lượng bụi. Bụi phát sinh từ sàn nhà và đồ dùng bẩn.

Khi các hoạt động diễn ra, bụi phát tán vào không khí. Ngoài ra, bụi cũng có thể từ bên ngoài phát tán vào trong nhà và bám vào các vật thể. Điều đáng nói, bụi là đối tượng để vi sinh vật đi kèm. Theo đó, hãy làm sạch nhà thường xuyên, không chỉ với sàn nhà mà cả với đồ đạc và phải lau bằng vải ẩm để tránh bụi phát tán trong không khí.

Ông Erica Phipps, giám đốc Canadian Partnership for Children’s Health and Environment – CPCHE (Tổ chức Sức khỏe và Môi trường Trẻ em Canada) cũng chia sẻ, bụi bám trong nhà chính là một trong những nguồn gây độc ảnh hưởng đến sức khỏe. Để loại bỏ bụi, chúng ta nên hút bụi hàng tuần, lau ướt nền nhà và lau bụi bám ở các vật dụng bằng một miếng vải ẩm.

Theo khuyến nghị của CPCHE thì những công việc lau dọn này phải được thực hiện hai tuần mỗi lần, nhất là khi bạn có con nhỏ đang ở tuổi biết bò. Và một điều cần lưu ý là tuyệt đối tránh lau bụi bằng khăn khô vì điều đó sẽ khiến bụi bay trở lại vào không khí.

Bên cạnh đó, chúng ta nên cởi bỏ giày ngoài cửa trước khi bước vào nhà vì điều đó sẽ giúp hạn chế lượng bụi và hóa chất độc hại tiềm ẩn mà chúng ta có thể vô tình mang vào nhà. Đồng thời, cũng nên cất giữ đồ đạc linh tinh và đồ chơi của trẻ trong các thùng đóng kín để giảm bụi.

“Bụi trong nhà chính là một trong những nguồn chính chứa các chất độc hại mà trẻ tiếp xúc hàng ngày, trong đó bao gồm cả chì. Và chỉ cần tiếp xúc với một hàm lượng rất thấp chì thôi cũng có thể gây hại cho não của trẻ”, Bruce Lamphear, cố vấn tại CPCHE  đồng thời là chuyên gia về sức khỏe môi trường của trẻ tại Đại học Simon Fraser (Canada) chia sẻ.

Hiểu đúng về máy hút bụi

Rất nhiều gia đình hiện nay sử dụng máy hút bụi để làm sạch bụi trong gia đình. Tuy nhiên, bạn cần hiểu đúng về máy hút bụi. Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, một trong những thứ giúp giải quyết ô nhiễm không khí trong nhà là luôn làm sạch các phòng – nhưng không sử dụng máy hút bụi, trừ khi máy hút bụi của bạn có bộ lọc HEPA. Sử dụng máy hút bụi có thể khuấy động những hạt bụi đã tồn tại sẵn ở trong nhà. Lau ướt thực sự giúp giảm lượng bụi.

Bộ lọc HEPA được cấu tạo bởi một chiếc màng lọc đan một cách ngẫu nhiên bằng các sợi thủy tinh có đường kính rất bé chỉ từ 0.5 đến 2.0 micromet. Do màng lọc HEPA được đan khít như thế nên nó có thể hút và giữ được những hạt cực nhỏ mà máy hút bụi sử dụng bộ lọc tiêu chuẩn không làm được.

Máy hút bụi sử dụng bộ lọc HEPA có thể loại bỏ phần lớn các hạt phấn hoa, bào tử nấm, khói, lông thú vật, vi khuẩn, và các tác nhân gây dị ứng, hen suyễn và bệnh hô hấp trong không khí. Trong khi đó, máy hút bụi thông thường sẽ thải chúng trở lại không khí.

Nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ, người mắc bệnh về hô hấp, hen suyễn, hoặc nhà bạn có nuôi thú cưng, thì máy hút bụi trang bị bộ lọc HEPA là lựa chọn lý tưởng, giúp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Bộ lọc HEPA 10 có thể lọc được 85% các hạt trong không khí, trong khi bộ lọc HEPA 12 thì loại bỏ được 99.5% và bộ lọc HEPA 13 thì được 99.9% các hạt có đường kính 0,05 – 0,15 micromet trong không khí.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top