Tránh sai lầm khi sử dụng rau cho bữa ăn của trẻ

Lo ngại an toàn thực phẩm, nhiều bậc phụ huynh khi chế biến món ăn cho trẻ đã quyết định thay rau có lá bằng các loại củ quả. Ngoài ra, do trẻ lười ăn rau, nên nhiều cha mẹ chỉ luộc lấy nước rồi cho con uống thay vì cho con ăn cả cái, hoặc luộc nước rau rồi cho con uống thay nước lọc… Theo các chuyên gia, các thói quen này rất sai lầm và phản khoa học.

Củ quả là sai lầm

Hiện nay có một thực tế là khi chế biến món ăn cho  con nhỏ, nhiều bậc phụ huynh đã quyết định sử dụng các loại củ quả thay vì rau có lá, vì cho rằng chúng an toàn hơn.

Chị Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố số 8, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Nhìn rau mồng tơi, rau ngót, rau muống, nhất là rau cải, cứ xanh mơn mởn tôi rất sợ nên không mua. Thay vào đó, tôi chọn các loại củ quả như bí ngô, bí xanh, cà chua… để chế biến thức ăn cho con”.

BS Phạm Thị Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Ứng dụng, cho biết, mỗi khi đến các trường mầm non và quan sát bữa ăn của trẻ, bà cảm thấy rất xót. Nhiều trường mầm non quá lạm dụng việc cho trẻ ăn các loại củ, quả. Không chỉ ở các trường mầm non, hiện tượng này cũng xuất hiện ở nhiều hộ gia đình.

Theo TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa, chưa cần nói đến việc củ, quả chưa chắc đã an toàn hơn rau có lá; chỉ riêng về mặt dinh dưỡng, việc ít cho trẻ ăn rau có lá là rất sai lầm.

Rau bao gồm có 3 loại là rau có lá, củ và quả. Mỗi loại này đều có những ưu điểm riêng của nó. Đối với người trưởng thành hay người già, bữa ăn thường nhiều rau, thường có món xào được chế biến từ củ, quả và một món nấu (hay luộc) thường chế biến từ rau có lá, nên không đáng lo ngại.

Nhưng đối trẻ nhỏ thì lượng rau không lớn trong mỗi bữa ăn vì thế, ăn rau gì cần phải hết sức chú ý. Đối với trẻ đây là thời kỳ cơ thể phát triển rất mạnh vì thế rất cần rau có lá, bởi rau có lá có rất nhiều chất dinh dưỡng và đặc biệt là chất xơ có lợi cho đường tiêu hóa. VÌ thế việc cho trẻ ăn rau có lá cần được chú trọng. Đặc biệt, rau có lá ở đây phải là loại rau có lá sẫm màu.

Tất nhiên, nói như vậy không phải là ăn hoàn toàn rau có lá, bạn vẫn nên bổ sung thêm các loại rau từ củ, quả, ví dụ một tuần nếu chia làm 7 ngày, bạn có thể cho trẻ ăn 4 – 5 ngày rau có lá, 2 ngày ăn củ, quả.

Ngoài ra, cần phải chú ý đến lượng rau trong bữa ăn. Ở nhiều trường mầm non, rau có lá thường được chế biến thành các món canh. Tuy nhiên, bát canh thường rất lèo tèo, nước là chủ yếu. Các trường học cũng như các bậc phụ huynh cần chú ý đảm bảo lượng rau cho bát canh của trẻ, đảm bảo trẻ có đủ lượng rau cần thiết.

Đừng chỉ có nước

Vẫn theo TS.BS Phạm Thị Thúy Hòa, do nhiều trẻ lười ăn rau nên nhiều bậc cha mẹ chỉ cho con uống nước rau thay vì cho ăn cái. Việc này cũng rất sai lầm. Các cụ từ ngàn xưa đã có câu “khôn ăn cái, dại ăn nước”.

Cần nhớ rằng khi nấu hoặc luộc rau, chỉ có một chút chất diệp lục và vitamin tan trong nước “tiết” ra nước, đấy là chưa kể vitamin tan trong nước lại rất dễ bay hơi. Vì thế lượng chất trong nước canh, nước luộc không đáng là bao nhiêu. Trẻ phải được ăn cái mới đảm bảo “lấy” được đầy đủ các chất trong rau.

Ngoài ra, nhiều bố mẹ vì muốn con hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng nên đã luộc rau lấy nước cho con uống thay cho nước lọc. Quan điểm này cũng rất sai lầm. Các bậc phụ huynh cần nhớ rằng nước rau không thể thay thế được nước lọc. Nên nhớ rằng, vai trò của nước lọc là “quét” sạch các chất độc ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, nước rau phải “cõng” thêm các chất dinh dưỡng vì thế chúng chỉ có một hàm lượng nước nhất định, không thể thay thế cho việc làm sạch cơ thể của nước lọc.

TS.BS Phạm Thị Thuý Hòa: Đối với người trưởng thành, người già, tốt nhất cứ mùa nào rau đấy. Với người trưởng thành, người già, rau trong bữa ăn, thông thường sẽ là củ quả để xào, hoặc nấu còn rau lá để nấu hoặc luộc, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên duy trì mỗi bữa có một món chế biến từ rau có lá.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top