Tránh sai lầm khi phòng trừ muỗi

Nhiều gia đình ở Hà Nội lo ngại việc muỗi bay đầy nhà sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nên tìm mọi cách để phòng trừ muỗi. Tuy nhiên, hiệu quả của những cách diệt muỗi này đến đâu, gây ảnh hưởng đến con người và môi trường sống như thế nào thì không phải ai cũng rõ, vì vậy không tránh khỏi sai lầm.

Bao nhiêu cây cho xuể?

Trồng cây đuổi muỗi là một trong những việc mà nhiều gia đình chọn làm với mong muốn phòng tránh muỗi. Các loại cây thường được trồng để xua muỗi là cây ngũ gia bì, cây tùng thơm, hay các loại cây lá có tinh dầu như sả, bạc hà, húng chanh, húng thơm…  hoặc cây nắp ấm cũng được trồng để “bắt” muỗi.

Về việc sử dụng cây nắp ấm để diệt muỗi, ông Trần Hoàng Linh, làng cây cảnh Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, thực chất khả năng “bắt” muỗi của cây nắp ấm rất hạn chế, bởi chỉ khi muỗi bay đến gần khu vực miệng ấm thì mới bị hút vào chứ cây không có tác dụng thu hút muỗi đến gần để “bắt”. Còn các loại cây lá có tinh dầu, đúng là có tác dụng xua muỗi, nhưng là khi lá cây bị vò nát, mùi tinh dầu bay ra không khí mới khiến muỗi tránh xa.

Theo ông Linh, nếu muốn diệt muỗi hiệu quả bằng cây thảo mộc thì phải trồng rất nhiều cây ở khắp nơi trong nhà mới có tác dụng, chứ nếu chỉ một hai cây thì dù có xua nơi này muỗi lại bay đến nơi khác. Còn chưa kể đến việc trồng quá nhiều cây trong nhà và phải tưới ẩm cho cây cũng khiến gốc cây dễ trở thành nơi ẩm thấp, thu hút muỗi đến nhiều hơn.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/phong-tru-muoi-mau1.jpg

Phun thuốc để phòng trừ muỗi

Phập phù máy bắt muỗi

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Công ty Diệt côn trùng Thịnh An, Hà Nội cho hay, người ta chế tạo ra loại máy thu hút muỗi bằng ánh sáng nhờ dựa trên đặc tính của loài muỗi là loài hướng quang (thích tìm đến nơi có ánh sáng). Ánh sáng phải là từ tia cực tím, hoặc ánh sáng đèn neon thì mới có tác dụng thu hút muỗi đến gần vì đây là loại ánh sáng hấp dẫn côn trùng.

Tuy nhiên, cũng vì sử dụng tia cực tím nên người sử dụng cần chú ý đặt máy ở những nơi trống, ít đi lại và tần suất sử dụng thấp nhất để tránh bị ảnh hưởng nhất; nhưng chính vị trí đặt máy như vậy sẽ giảm hiệu quả sử dụng của máy rất nhiều. Đấy là còn chưa kể đến viêc lắp bóng đèn không cho nguồn ánh sáng đúng sẽ không có tác dụng diệt muỗi. Hơn nữa, khi trong nhà bật đèn sáng trưng thì ánh sáng từ máy hút muỗi này cũng sẽ bị “loãng” nên không đủ hấp dẫn muỗi.

Ngoài ra, các loại máy bắt muỗi dùng ánh sáng chỉ là để “dụ” muỗi bay tới, còn để diệt muỗi cần có tấm lưới điện mỏng bao bọc phía ngoài để khi muỗi bị hút tới sẽ chạm vào lớp mạch điện này và bị đốt cháy. Nhưng trong rất nhiều trường hợp máy bị hỏng lưới điện mạch này nên vẫn không diệt được muỗi.

Theo tài liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, việc sử dụng thuốc phun diệt muỗi sẽ giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm do muỗi, nhưng nếu phun thuốc không đúng yêu cầu kỹ thuật và sử dụng thuốc bừa bãi thì ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng không nhỏ. Cơ quan này khuyến cáo nên tuân thủ các hướng dẫn cụ thể có trên bao bì sản phẩm, với thời gian phun giãn cách tối đa. Nếu các loại bình phun nhỏ, tự dùng cho gia đình không đạt hiệu quả mong muốn thì nên liên hệ với các cơ quan, trung tâm phòng chống dịch bệnh để được hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng các loại thuốc hợp lý hơn, hoặc có thể yêu cầu họ cung cấp dịch vụ phun diệt muỗi tại nhà.

Cẩn trọng khi dùng kem thoa hoặc thuốc xịt chống muỗi

Kem bôi hoặc sản phẩm dạng dung dịch xịt chống muỗi cũng được khá nhiều người sử dụng, nhất là với các gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Trung tâm Phòng và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, việc sử dụng các sản phẩm này mà chỉ nên là giải pháp tình thế, dùng khi ra ngoài, đến những chỗ ẩm thấp, tối, nhiều côn trùng, chỉ thoa/bôi trong vài giờ. Không nên lạm dụng thoa/bôi/xịt liên tục, mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, nên hạn chế loại dung dịch xịt vì thuốc dạng hơi sương bay trong không khí con người rất dễ hít phải, gây nguy cơ kích thích đường thở.

Vì vậy, khi dùng dạng dung dịch xịt, không phun trực tiếp lên mặt, mà phải xịt ra tay rồi mới thoa lên mặt. Tránh xịt thuốc gần đường hô hấp, đề phòng nguy cơ hít phải thuốc xịt. Chú ý tuân thủ đúng theo hướng dẫn trên bao bì, nhãn mác; chỉ bôi cho những vùng da hở, tuyệt đối không dùng kem bôi da trong lớp quần áo mặc ngoài, riêng thuốc ở dạng xịt có thể dùng ngoài quần áo. Không thoa/bôi/xịt thuốc gần vùng mắt, miệng và niêm mạc hở.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top