Tránh rủi ro khi trẻ bắt chước trên mạng

(khoahocdoisong.vn) - Xem các clip trên mạng và học theo, nhiều em bé đã phải nhập viện, nặng hơn nữa là tử vong. Làm thế nào để kiểm soát, giữ trẻ trong “vùng an toàn” khi tiếp cận với các thông tin trên mạng?

Tử vong vì làm bỏng ngô theo internet

Mới đây, một bé gái 14 tuổi chết và người bạn 12 tuổi bị bỏng nặng sau khi bắt chước một mẹo nấu ăn của cô Yeah - nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc – và cô này đã phải bồi thường. Vụ tai nạn xảy ra vào cuối tháng 8/2019, khi cô bé Zhezhe 14 tuổi và người bạn Xiaoyu,12 tuổi đã bắt chước mẹo làm bắp rang bơ do cô Yeah Muff quay clip phổ biến trên mạng xã hội Weibo và Kuaishou. Vụ nổ xảy ra khi hai cô bé đang đun nóng rượu trong hai lon thiếc. Cả hai đều bị bỏng nặng và cô bé Zhezhe đã chết vì vết thương vào ngày 5/ 9.

Những trường hợp gặp rủi ro như cô bé nêu trên cũng không hiếm. Làm thế nào để quản lý trẻ an toàn trong môi trường mạng? Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Linh, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều phụ huynh quay sang cấm đoán con như tịch thu hết điện thoại, cắt mạng, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài, thậm chí đem đến tác dụng ngược.

Để khắc phục, phụ huynh cần dành thời gian cho con, nỗ lực chia sẻ, nói chuyện hàng ngày với con, nuôi dưỡng tình bạn và sự chia sẻ, đồng cảm với con. Cũng giống như bạn quan tâm và hỏi con khi con đi học về “Hôm nay con học ở trường thế nào? Có gì vui không?”. Hãy quan tâm đến những trải nghiệm của con trên mạng internet “Hôm nay trên mạng có gì hay không? Có gì làm con cảm thấy không ổn/không thoải mái không?” và đổi lại, bố mẹ cũng chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của mình trong ngày.

Thay vì cấm đoán, hãy quản lý, chia sẻ. Bạn phải luôn quản lý được con mình đang xem cái gì, có phù hợp với lứa tuổi không, có nội dung không lành mạnh không... Cảnh báo trẻ những nội dung xấu, không phù hợp, nói để trẻ hiểu. Ngoài ra,  các doanh nghiệp công nghệ, bao gồm các các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi game cần vào cuộc để cùng có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Lọc bằng biện pháp công nghệ?

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết, hiện không có loại phần mềm để lọc những clip độc hại như vậy trên YouTube và nhiều nội dung độc hại khác trên mạng internet. Trên thực tế, có thể chặn một kênh hoặc một trang nội dung bất kì nhưng phải chặn toàn bộ, khi đó người dùng không thể xem bất cứ nội dung nào trên kênh/trang web đó nữa. Còn phía nhà cung cấp dịch vụ, họ sẽ không cho đăng những video clip mà họ cho rằng không phù hợp. Tuy nhiên, khi những clip độc hại được “ngụy trang” kĩ dưới những cái tên vô hại, hay phần đầu clip không có vấn đề gì thì nhà kiểm duyệt rất khó phát hiện và video độc hại sẽ được phát rộng rãi trong ứng dụng.

Trước đây YouTube không có lựa chọn cho phép chặn kênh (channel) để chúng thôi hiển thị khi ta tìm kiếm hoặc xuất hiện trong các video gợi ý, nhưng bây giờ YouTube đã tích hợp các tính năng này. Nhưng các tính năng này chỉ có thể chặn được những video clip được cung cấp từ những cá nhân cụ thể. Đồng thời cũng có tính năng cho phép người dùng tùy chỉnh thủ công bằng cách thêm các từ khóa để chặn các video hoặc kênh YouTube có chứa từ khóa đó, trong khi những video clip độc hại được xuất hiện từ nhiều nguồn và dưới những tiêu đề tương đối “hiền lành” rất khó phát hiện.

Rất khó có các biện pháp kỹ thuật và công nghệ thực sự hiệu quả để ngăn chặn những video clip độc hại như vậy đối với trẻ em. Biện pháp hữu hiệu chủ yếu là trang bị, định hướng cho con em những kiến thức tự bảo vệ mình, có thể nhận biết các video độc hại để tránh. Cùng với đó, tăng cường giám sát, quản lý giờ giấc và những nội dung trên mạng, trên TV mà trẻ em thường sử dụng.

Mạng xã hội đang chứa đựng nhiều mối nguy hiểm đối với hành vi và việc hình thành nhân cách của trẻ em. Những rủi ro trên internet rất khó lường và ngày càng có nhiều trò chơi nguy hiểm. Nếu không kiểm soát sẽ rất nguy hại với trẻ em trên môi trường mạng.

Hà Bình

Theo Đời sống
back to top