Tranh luận "tóe lửa" bỏ môn thi thứ 4

(khoahocdoisong.vn) - Xung quanh việc có nên bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 hay không, đã có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận “tóe lửa” ở nhiều diễn đàn.

Bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh

Em Nguyễn Văn Minh (học sinh lớp 9, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) những ngày này lịch học dày đặc vì chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới. Tuy nhiên, thay vì học trực tiếp, thì tất cả các môn đã chuyển sang học trực tuyến, kể cả những môn học thêm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.

Minh chia sẻ, việc chuyển sang học trực tuyến khiến em và bạn bè lo lắng, một phần vì chất lượng học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp, một phần không biết kỳ thi sẽ có những thay đổi như thế nào.

“Em không còn thời gian dành cho các hoạt động giải trí khác, lúc nào cũng học và học. Em và nhiều bạn bè mong Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 THPT. Nếu lúc này, chúng em chỉ tập trung vào ôn tập 3 môn Văn, Toán, Anh thì sẽ giảm được nhiều áp lực”, Minh chia sẻ.

Chia sẻ của Minh cũng là tâm sự của rất nhiều học sinh lớp 9 và nhiều phụ huynh. Lo lắng, căng thẳng do dịch Covid-19 khiến các em học sinh, phụ huynh muốn giảm số lượng môn thi, để các em tập trung ôn tập cho tốt các môn còn lại.

Phụ huynh Nguyễn Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, chị phản đối thi môn thứ tư bởi cách học vội vã trong một thời gian ngắn, chỉ phục vụ cho việc đi thi  sẽ làm học sinh quên ngay kiến thức sau khi thi, không vì thế mà làm cho học sinh yêu Sử hơn. Trong khi đó, nếu bỏ được môn thi thứ tư này sẽ đỡ bao nhiêu mệt mỏi cho các con. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, việc giảm áp lực cho các con cũng đồng nghĩa với việc tăng sức đề kháng, bảo vệ an toàn cho trẻ, rất đáng làm.

Một cô giáo dạy học sinh lớp 9 ở Hà Nội khẳng định, cả lớp cô dạy đều mong muốn sẽ bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10. Lý do là vì lứa học sinh này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quá nhiều: Cuối năm lớp 8, đầu năm lớp 9, giữa lớp 9 và thời điểm hiện tại. Việc bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10 sẽ góp phần ổn định tâm lý cho học sinh.

"Giảm bớt được lo lắng chút nào tốt chút đó, giúp các con yên tâm học tập cho tốt. Nếu cho rằng dùng môn này để gỡ điểm thì cũng không gỡ được nhiều. Bởi vì, môn thi này chỉ tính điểm hệ số 1", cô giáo này nói.

Cha mẹ đang làm giảm sức “đề kháng” của con

Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10, lại có nhiều ý kiến cho rằng, không nên bỏ.

Phụ huynh Phạm Thị Hương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, từ khi có công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10 tới giờ, con chị đã học tập chăm chỉ và cả cô cùng trò đều cố gắng rất nhiều. Đến thời điểm này, nếu bỏ môn thi, sẽ làm cho sự cố gắng ấy thành vô nghĩa. Hơn nữa, ở thời điểm này, các con đều đã học ôn được khá tốt. Giờ cứ giữ phương án như cũ, để các con ổn định tâm lý, tập trung vào học, không nên thay đổi khiến các con rối loạn.

Hơn nữa, đây là môn học thuộc, nhiều bạn coi đây là cơ hội gỡ điểm cho môn khác, cho dù là tính hệ số 1 nên đã học hành chăm chỉ. Giờ nếu bỏ đi thì sẽ rất thiệt thòi.

Em Nguyễn Mạnh Tiến (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, em và các bạn hiện tại đã ôn xong môn Sử. Từ khi phải nghỉ học ở trường, chuyển sang học trực tuyến, cả lớp trả bài cùng nhau qua Zoom và thi đua nhau học. Cho đến thời điểm này, nếu vẫn giữ thi môn Sử, em hoàn toàn tự tin để thi.

Nhiều phụ huynh khác cho rằng, việc thi và học đương nhiên phải vất vả. Và dịch Covid-19 tựa như một khó khăn, thử thách mà các em phải thích nghi và vượt qua. Nếu bố mẹ cứ sợ con mệt, áp lực, đứng trước khó khăn đã muốn tránh, bao bọc con quá, thì đã làm mất đi sức “đề kháng” của con. Trong lúc này, nên động viên các con bình tĩnh, học cho tốt, chứ không nên bàn có thay đổi môn thi hay không.

TS Sử học Trần Vân Anh chia sẻ, nếu đặt vấn đề bỏ môn thi thứ 4 là môn Lịch sử thì phải đặt ra  câu hỏi: Vì sao phải bỏ? Thực thế, dịch Covid-19 khiến việc học bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 9, giai đoạn nghỉ dịch cũng là lúc các em đang ôn thi. Cho nên, dù dịch có xảy ra hay không thì các em vẫn phải học, phải thi. Đây chính là lúc các em cần phải rèn luyện, phát huy khả năng tự học – một yếu tố quan trọng của học sinh.

Việc cho rằng, môn Sử là gánh nặng, khiến các em bị áp lực, không có tác dụng đối với việc lĩnh hội kiến thức, không làm cho các em yêu môn Sử hơn là bởi vì thói quen học lệch, học tủ, chỉ học để đi thi. Với những học sinh có thói quen học như thế này, cho dù là được bỏ môn thứ tư, thì cũng sẽ vẫn áp lực với các môn còn lại. Ngược lại, đây sẽ là cơ hội cho những học sinh có khả năng tự học tốt.

“Nếu nói về chỉ số AQ, chỉ số vượt khó, tôi thấy nhiều cha mẹ học sinh đang làm giảm chính chỉ số này của con mình. Điều này là không nên”, TS Trần Vân Anh chia sẻ.

Do dịch Covid-19, một số địa phương đã chủ động lên phương án theo khung kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, chương trình năm học sẽ hoàn thành trước ngày 31/5, theo đúng khung kế hoạch ban hành từ đầu năm. Thời gian tới, nếu khống chế được dịch, việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể tiến hành đúng kế hoạch. 

Năm nay, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội được tổ chức từ 10 - 12/6/2021. Thí sinh dự thi vào trường công lập sẽ thi 4 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là Lịch sử.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top