Tránh hiểu sai về đi bộ

(khoahocdoisong.vn) - Đi bộ chỉ thích hợp với người già, bận quá nên không có thời gian đi bộ, chỉ đi bộ thôi thì chưa đủ, thích đi bộ kiểu gì thì đi… là những cách hiểu rất sai lầm về đi bộ.

Không chỉ là “bộ môn” của người già

Đi bộ là môn thể thao nhẹ nhàng không chỉ giúp bạn giảm cân, giảm căng thẳng mà còn giảm thiểu rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105 cho biết, quan điểm đi bộ chỉ dành riêng cho người ra là rất sai lầm. Đi bộ có rất nhiều kiểu như đi bách bộ (đi thong thả), đi chậm, đi bộ nhanh, đi bộ lên dốc, đi bộ tư do (kết hợp giữa đi bộ nhanh với đi bộ thong thả, vừa đi vừa nghỉ), đi trên máy tập, thậm chí leo cầu thang cũng là một hoạt động của đi bộ.

Với nhiều loại này, đi bộ thích hợp cho mọi độ tuổi. Tùy vào sức khỏe, sở thích cá nhân, mỗi người sẽ có sự lựa chọn riêng, ví dụ, người già yếu có thể chọn đi bộ thong thả, đi bộ chậm (70 bước/phút); người khỏe mạnh, người trẻ có thể lựa chọn đi bộ nhanh (khoảng 100 bước/phút) với sải bước chân dài, tay vung, thậm chí có thể kết hợp giữa đi bộ nhanh và chạy.

Đừng nghĩ có thời gian mới đi bộ

Đi bộ bao nhiêu bước hay trong khoảng thời gian bao lâu là hợp lý, Diễn đàn Bệnh Béo phì Quốc gia Anh khuyên một người đi từ 7.000 - 10.000 bước mỗi ngày là đạt tiêu chuẩn ở mức “hoạt động vừa phải”. Số bước chân này tương đương với khoảng 30 -45 phút mỗi ngày tùy vào việc bạn đi nhanh hay chậm. Nhiều người cho biết, họ quá bận và không đủ thời gian đấy đi để bộ.

Theo BS Nguyễn Văn Hùng suy nghĩ này là rất sai lầm. Nếu bạn không thể đi bộ đủ 30-45 phút trong một lần, thì thay vào đó hãy thử chia hoạt động thành 3-4 lần nhỏ trong ngày, mỗi lần 10 -15 phút, thậm chí bạn có thể chia nhỏ hơn nữa.

“Thường người đi bộ đặt ra mục tiêu cần đạt được trong một buổi tập là mấy vòng đi quanh sân nhà, một hai vòng đi quanh công viên hoặc đi hết một quãng đường có độ dài xác định nào đó. Định mức này đôi lúc trở thành gánh nặng khiến người đi bộ phải gắng sức thực hiện”, BS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh “Nếu không có thời gian bạn hãy chia nhỏ các giai đoạn, thậm chí bạn hãy lồng ghép việc đi bộ vào trong các hoạt động thường ngày”.

Ví dụ, thay vì đi chợ bằng xe, bạn chọn đi bộ; thay vì ăn đi ăn trưa ở cơ quan bằng xe, bạn nên đi bộ… Với các hoạt động này, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành mức 7.000 bước.

Tuy nhiên, với cách đi chia nhỏ này, bạn nên theo dõi tiến độ của bạn trên giấy tờ, trực tuyến hoặc bằng một ứng dụng tập luyện trên điện thoại hoặc máy tính. Các hoạt động này sẽ có thể giúp bạn đếm số bước chân, và tính khoảng cách bạn đi bộ được trong một khoảng thời gian xác định.

Không phải thích đi thế nào thì đi

Đi bộ là hoạt động đơn giản và hầu hết ai cũng có thể thực hiện được, tuy nhiên điều đó không có nghĩa bạn thích đi bộ kiểu gì thì đi. Đi bộ cũng cần phải thực hiện đúng cách.

Theo BS Nguyễn Văn Hùng, trong mỗi lần đi, nên bắt đầu đi chậm, nhẹ nhàng trong vài phút đầu, sau đó tăng dần tốc độ, bước dài hơn. Đi bộ là môn cần sức bền, nên hãy đi ở mức vừa phải, không quá nhanh hay quá chậm để không bị mất sức trong suốt quá trình đi mà việc tập luyện vẫn hiệu quả.

Cần chú ý tư thế khi đi bộ, giữ ngực và vai thẳng, thân mình vuông góc với mặt đất, tránh chúi ra phía trước hay ngả ra sau. Thời gian phù hợp nhất để đi bộ là sau khi ăn từ 1-1,5 giờ.

Không nhất thiết phải kết hợp với bộ môn khác

Nhiều người cho rằng đi bộ thôi là chưa đủ để rèn luyện sức khỏe, nhất là đối với người trẻ, đi bộ chỉ nên tính là bộ môn khởi động hoặc phải kết hợp giữa đi bộ và các bộ môn khác. Việc chỉ đếm bước chân là chưa đủ.

BS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, khi luyện tập bạn phải đặt mục tiêu là luyện tập nhằm mục đích gì, ví dụ luyện tập để giảm cân, đúng là đi bộ thôi là chưa đủ, bạn cần phải kết hợp với nhiều bộ môn khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bắt buộc bạn phải kết hợp với các bộ môn khác. Nếu bạn có thể đi bộ một cách độc lập và duy trì tốc độ 4-6km/h trong nửa giờ mỗi ngày thì đi bộ là bài tập thể dục đầy đủ.

Theo Đời sống
back to top