Tránh hại sức khỏe vì dược liệu dởm

(khoahocdoisong.vn) - Dược liệu dởm, thuốc bắc đã bị chiết xuất hết hoạt chất, thậm chí bị ngâm tẩm hóa chất… đe dọa sức khỏe người dùng. Bởi thế, hãy cẩn trọng khi sử dụng bất cứ loại thuốc bắc, dược liệu nào.

Dược liệu dởm tạo ra thuốc dởm

Mới đây, cơ quan chức năng đã triệt phá vụ buôn lậu dược liệu lớn tại tỉnh Lạng Sơn. Trong hơn 40 tấn hàng lậu bị bắt giữ thì dược liệu chiếm số lượng hơn một nửa, tương đương khoảng 23 tấn với hàng chục loại khác nhau. Trong đó có cả những vị thuốc quý như: sa sâm, linh chi, đỗ trọng, nhục thung dung… nhưng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khám xét thêm tại kho hàng, cơ quan chức năng thu giữ tiếp hơn 10 tấn dược liệu trôi nổi đang được tập kết. Đáng lưu ý, hồi đầu năm 2018, đối tượng này cũng bị bắt giữ tới 11 xe ô tô tải chở hàng chục tấn dược liệu đang tập kết chờ vận chuyển vào nội địa.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực dược liệu cho biết, đây chính là rác thuốc. Chuyện dược liệu dởm nguy hiểm ở chỗ sẽ tạo ra thuốc dởm, không chữa được bệnh, thậm chí còn rước thêm bệnh vào người. Nhà nước phải thực hiện kiểm tra gắt gao các cửa hàng bán dược liệu. Hiện đa phần dược liệu được nhập theo đường tiểu ngạch nhưng không được bất cứ bộ phận kiểm tra hải quan nào kiểm tra chất lượng để cấp phép.

Tới đây, Bộ y tế nên kiểm tra nghiêm túc các cơ sở kinh doanh mua bán dược liệu, chỉ cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, giá trị của dược liệu. Đối với dược liệu đã bị chiết xuất hết chất sẽ làm hỏng bài thuốc, vị thuốc khi chữa bệnh. Ví dụ tam thất bị chiết hết hoạt chất thì bài thuốc chữa bệnh bằng tam thất đâu còn giá trị nữa. Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Gia Điền, giá dược liệu trong nước rất rẻ so giá dược liệu chuẩn ở chính nơi chúng ta nhập về.

“Tôi từng nói chuyện với một giám đốc công ty về dược liệu thì họ bảo đơn giản như hồng hoa mua tại Trung Quốc có giá 16 triệu đồng/kg nhưng ở Việt Nam chỉ 3,6 triệu đồng/kg. Với mức giá đó thì chỉ còn bã hồng hoa, không thể tạo ra vị thuốc được”, PGS.TS Phạm Gia Điền cho biết.

70% dược liệu không đủ tiêu chuẩn

PGS.TS Phạm Gia Điền kể, ông từng ngồi trong một hội đồng đánh giá đề tài nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương về thực trạng thị trường dược liệu ở Việt Nam hiện nay. Theo nghiên cứu thì có đến 70% dược liệu là không đủ chất lượng, thậm chí có loại dược liệu là A thì lại bị gọi tên là B. Khi tiến hành phân tích thành phần các dược liệu này thì người ta thấy rằng hàm lượng chất không đủ chuẩn. Đáng lưu ý, 90% các vị của thuốc bắc là chúng ta phải nhập khẩu trong đó có cả nhập lậu từ Trung Quốc. Chỉ có rất ít vị thuốc có thể tự trồng được như đương quy, đan sâm, tam thất. Do đó, vấn đề sức khỏe người bệnh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Uống thuốc, không chữa được bệnh, thậm chí còn rước thêm bệnh bởi những hóa chất tẩm ướp, bảo quản.

Nhận biết dược liệu dởm là bài toán hóc búa ngay cả với các chuyên gia. Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, ngay cả khi có chuyên môn thì cũng phải qua các phân tích mới biết được đâu là dược liệu chưa bị chiết xuất. Do đó người tiêu dùng chỉ còn cách không tham rẻ, mua thuốc ở những cơ sở uy tín, thầy thuốc có trình độ cao, có uy tín lâu năm. Tuyệt đối không mua hàng trôi nổi rồi về tự chế biến thuốc, rất dễ rước họa.

Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, khi việc quản lý dược liệu được chặt chẽ, chỉ các cửa hàng được cấp phép mới được bán thì người người dân mới yên tâm sử dụng được. Còn hiện nay dược liệu được bày bán nhiều như rau, không ai kiểm soát, quản lý, thì nguy cơ cho người bệnh là cực kỳ cao. Uống thuốc không chữa được bệnh mà lại rước thêm bệnh vào người.

“Hiện nay Việt Nam có một số vùng trồng dược liệu nhưng không đủ nguyên liệu để sản xuất thuốc. Trong khi nguyên liệu làm thuốc bắc phụ thuộc hoàn toàn vào dược liệu nhập khẩu. Nếu Nhà nước không can thiệp thì các bài thuốc, vị thuốc sẽ trở nên không còn giá trị vì dược liệu dởm”, PGS.TS Phạm Gia Điền.

Theo Đời sống
back to top