Tránh độc từ thảm chùi chân

Thảm chùi chân là vật dụng khá phố biến trong các gia đình, thường được đặt ở các vị trí khác nhau như cửa chính ngôi nhà, cửa phòng bếp, cửa phòng tắm… Tuy nhiên, nhiều người do không để ý hoặc vệ sinh chưa đúng cách khiến những chiếc thảm này trở thành ổ vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh.

Nhiều gia đình cả năm không giặt hoặc vệ sinh thảm chùi chân.

Quên thảm chùi chân đến cả năm

Một cuộc khảo sát nhỏ của Báo KH&ĐS trên 15 hộ gia đình tại khu Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội cho kết quả 100% hộ gia đình tham gia khảo sát đều có sử dụng thảm chùi chân trong nhà cho các khu vực như cửa chính nhà, cửa phòng bếp, cửa nhà vệ sinh…

Tuy nhiên, rất nhiều hộ gia đình cho biết, họ quên không để ý đến việc vệ sinh chiếc thảm này. Chỉ có 36% cho hay họ định kỳ giặt thảm 3 tháng/ lần; 26% cho biết thấy bẩn thì giặt chứ không giặt theo định kỳ và có tới 38% trả lời ngày nào cũng chùi chân trên những chiếc thảm tiện dụng này nhưng không chú ý  tới việc vệ sinh chúng, họ không nhớ lần gần đây nhất vệ sinh chúng từ khi nào, có gia đình cho biết, hình như cả năm nay họ không giặt, vệ sinh những chiếc thảm này.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch cho biết, những chiếc thảm chùi chân vô cùng hữu hiệu đối với các gia đình hiện đại. Nó có tác dụng ngăn bụi bẩn, nước, bùn đất… trước khi bước vào ra hay đi vào nhà, phòng tắm, bếp… Tuy nhiên, những chiếc thảm này lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn bởi bụi bẩn, nước.

Bạn đi từ ngoài vào, giày của bạn dính đầy bụi bẩn, khi bạn lau lên chiếc thảm đồng nghĩa với việc bạn đưa đất, bụi bẩn từ bên ngoài vào chiếc thảm. Khi bạn từ nhà tắm bước ra, chân dính nước bạn giẫm lên thảm, nước  sẽ được giữ lại trong thảm. Rồi khu vực nấu ăn, nước, thức ăn dư thừa, dầu mỡ bám đầy trên thảm. Vô hình chung, những chiếc thảm chính là nơi chứa đầy vi khuẩn, nấm mốc. Đặc biệt là những chiếc thảm, ẩm ướt lại càng khiến nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

“Vì thế, bạn tưởng dùng thảm để làm sạch nhà cửa, nhưng ngược lại, nếu không được vệ sinh, những miếng thảm chùi chân này giống như miếng bọt hút vi khuẩn, giữ lại mọi thứ, từ chất bẩn trong đồ ăn, lẫn bụi bẩn trong không khí.

Theo một vài nghiên cứu, các miếng thảm chùi chân nếu không được vệ sinh sạch sẽ được cho là nơi chứa các vi sinh vật bẩn hơn trong toilet tới 4.000 lần. Nếu thảm để lâu, bị ẩm, bẩn, các vi trùng, kí sinh trùng ẩn nấp trong các sợi vải sẽ sinh sôi nảy nở nhanh và lan ra vật dụng khác trong nhà. Chúng gây ra các chứng bệnh như mẩn ngứa da, viêm mũi, hen suyễn…”, ông Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.

Cắt nguồn “thức ăn” của nấm mốc

Theo tác giả Nick Gromicko và Ethan Ward, Hiệp hội Quốc tế các chuyên gia khảo sát và tư vấn nhà ở (interNACHI), để phát triển, nấm mốc cần độ ẩm, oxy, nguồn thức ăn và một bề mặt đảm bảo các yếu tố trên để phát triển. Bào tử nấm mốc có thể được tìm thấy tự nhiên ở bất cứ đâu trong không khí, và nếu bào tử hạ cánh trên một tấm thảm ẩm ướt, có chứa bụi bẩn làm thức ăn thì nấm mốc sớm phát triển nở rộ.

Nấm mốc từ thảm chân có thể sinh ra các chất dị ứng nguyên là những chất có thể gây ra phản ứng dị ứng, bao gồm các triệu chứng đôi khi giống như bị cảm sốt, đó là hắt hơi, chảy nước mũi, mắt đỏ, phát ban da (viêm da). Tiếp xúc với nấm mốc cũng có thể gây ra các cơn hen suyễn ở những người bị bệnh hen suyễn và người bị dị ứng với nấm mốc; hoặc có thể gây kích ứng da, mắt, mũi, họng và phổi của cả những người có cơ địa dị ứng hoặc không.

Theo interNACHI.org

Thảm chùi chân luôn là nơi cung cấp đầy đủ điều kiện phong phú cho nấm mốc sinh sôi phát triển, đặc biệt là khi dính nước mưa, hơi ẩm từ giày dép hay khi chân bạn dính nước từ nhà tắm bước ra… Vì vậy, cách tốt nhất để tránh nấm mốc phát triển ở thảm chùi chân là “cắt nguồn thức ăn” của chúng, không tạo ra môi trường thuận lợi cho chúng phát triển.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, tất cả các thảm chùi chân đặt ở mọi nơi trong căn nhà đều cần vệ sinh, giặt giũ thường xuyên và phơi hoặc sấy khô. Đối với những tấm thảm lớn, dày, việc giặt giũ không thuận tiện thì có thể định kỳ hằng tuần vệ sinh với máy hút bụi và phơira nắng, đập cho bụi bẩn, nấm mốc “bong” ra.

Trong sử dụng nên cố gắng giữ cho chúng luôn được khô thoáng, sạch sẽ. Tuy nhiên, cũng nên thi thoảng đem giặt nước hoặc giặt khô để loại bỏ các vết bẩn bám lâu ngày. Đối với những tấm thảm nhỏ hơn, có thể giặt nước, hằng tuần hãy ngâm chúng vào nước có chứa chất tẩy rửa hoặc ít nhất nên pha giấm với nước để ngâm chúng, sau đó giặt lại thật sạch và phơi khô để đảm bảo sạch sẽ.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top