Tránh để tai bị “quá tải”

(khoahocdoisong.vn) - Các loại âm thanh là một phần của cuộc sống: từ tiếng thở của người, tiếng lào xào của gió, tiếng rì rầm, tiếng chói tai của còi xe… Trong những âm thanh này, có loại quá to khiến tai bị “quá tải”. 

To nhỏ bủa vây

TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trong cuộc sống hàng ngày có quá nhiều thứ phát ra âm thanh hay còn gọi là tiếng ồn như hơi thở của người, tiếng lào xào, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng ồn phát ra từ thiết bị điện hay quạt thông gió, tiếng ồn khi sắp xếp đồ thừa, tiếng hét, tiếng còi xe, tiếng loa radio, tiếng tivi, tiếng va đập của các thiết bị ngoài công trường…

Trong các loại âm thanh này, có loại không gây phiền cho bạn, thậm chí tiếng nước chảy, tiếng mưa rơi còn khá âm ái, nhưng có loại không chỉ làm bạn khó chịu, chúng còn làm bạn giảm thính lực, thậm chí là còn gây ra những rối loạn tâm lý như mất ngủ, đau đầu…

Thực tế cho thấy, mỗi tần số âm thanh khác nhau thì có một ngưỡng chịu đựng đối với tai người và người ta sử dụng dBA để quy chung về âm thanh tương đương. Đối với tai người thì ngưỡng chói tai là vào khoảng 120dBA. Như vậy, âm thanh cứ vượt quá 120dBA sẽ làm người nghe khó chịu và nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng nghe nếu trong trường hợp chịu tác động lâu dài.

Tuy nhiên, mức này chỉ mang tính chất tương đối, nó còn phụ thuộc vào việc bạn nghe nhiều hay nghe ít, sức chịu đựng của mỗi người cũng như bạn nghe một âm thanh riêng lẻ hay nghe kết hợp nhiều âm thanh cùng lúc… Các nghiên cứu chỉ ra thời gian tối đa bảo vệ cho đôi tai mỗi ngày khi nghe âm thanh tại mức 90 dBA là 8 giờ. Đối với mỗi lần tăng 5 dBA về mức độ, thời gian tiếp xúc tối đa được giảm một nửa, ví dụ 95 dBA = 4 giờ, 100 dBA = 2 giờ, 110 dBA = 30 phút, 120 dBA = 7,5 phút.

TS Nguyễn Phan Kiên: Việc nghe nhạc quá to trong thời gian dài cũng gây khó chịu cho tai. Các nghiên cứu cho thấy nếu bạn sử dụng tai nghe để nghe nhạc ở mức âm thanh trên 89dBA thì cũng chỉ nên nghe tối đa 5 tiếng mỗi tuần và nên giãn cách chứ không phải liên tục.

Tự mình cảm nhận là chính

Điều đáng nói là trong cuộc sống không dễ gì có thể đo được chính xác những âm lượng; vậy, làm thế nào để bạn biết khi âm thanh là quá lớn?. Các nhà khoa học đã chỉ ra tiếng nói thì thầm, tiếng gió lao xao, tiếng radio mở khẽ không gây khó chịu cho con người. Trong khi đó, tiếng nhạc mở to trong nhiều tiếng đồng hồ, tiếng ồn từ công trường xây dựng vừa lớn lại thường diễn ra lâu, thậm chí là từ ngày này sang ngày khác có khả năng gây tổn thương cho tai cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, những gợi ý này chỉ có tính chất tham khảo, quan trọng nhất là bạn phải tự mình cảm nhận là chính. Ví dụ, lúc nghe nhạc trong phòng karaoke hay nghe tai nghe, khi bạn ra khỏi phòng nhạc hoặc khi bạn bỏ tai nghe, bạn bị ù tai nhất thời chỉ trong vài giây sau đó; hoặc bạn cảm thấy âm thanh có vẻ bị bóp nghẹt và bị mờ khi bạn vừa bước ra môi trường yên tĩnh.

Đó là biểu hiện của việc bạn đã không chịu đựng được tiếng ồn. Ngoài ra, ở một môi trường có tiếng ồn, cảm giác khó chịu, đau tai, choáng, mệt mỏi… cũng là những dấu hiệu cho thấy bạn bị quá tải với tiếng ồn. 

Điều đáng nói là bạn không thể làm gì để loại bỏ những loại “âm thanh” đặc biệt này. BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ của bệnh viện 105 cho biết, từ xa xưa loài người đã cố gắng để hạn chế các loại âm thanh “chát chúa”, “khó chịu” nhưng không thành công bởi nó là một phần của cuộc sống. Quan trọng là bạn phải biết cách để chung sống.

Thứ nhất, nếu nơi làm việc có tiếng ồn mạnh thường xuyên, bạn nên sử dụng nút bịt tai hoặc bông bịt tai. Ngoài ra, nếu nhà bạn nằm trong vùng bị tiếng còi xe, tiếng ồn của công trường xây dựng bạn có thể cần đến các loại kính cách âm, hệ thống rèm cửa..., thậm chí việc kê chắn đồ đạc ở những khu vực phát ra nhiều tiếng ồn cũng là một cách để giảm tiếng ồn.

Một cách nữa là thư giãn với tiếng ồn, nghĩa là bạn đừng để nó chi phối bạn, khi bị tiếng ồn tác động bạn hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp. Ngoài ra, nên kiểm tra thính lực thường xuyên và định kỳ nếu bạn sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn lớn.

Theo Đời sống
back to top