Tránh đánh thuế “oan sai”

TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, việc đánh thuế tài sản những người có nhà thứ 2, thứ 3 là việc làm cần thiết để phòng chống tham nhũng. Nhưng phải làm bài bản, cẩn trọng, tránh tình trạng đánh thuế “oan sai”, người nghèo sở hữu nhà cũng bị đánh thuế, kẻ tham nhũng thì nhởn nhơ.

Đánh thuế vào người giàu là cần thiết

Mới đây khi trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, cho biết Bộ đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có từ 2 – 3 nhà trở lên. Có thể chưa thực hiện ngay nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước họ đã đánh thuế này từ nhiều năm nay rồi. Ông nhận định thế nào về giải pháp này?

Tôi nghĩ là nếu làm sớm, làm ngay thì có thể chưa được, nhưng xây dựng, tính toán lộ trình phù hợp để thực hiện thì hoàn toàn có thể được, đã có một số nước áp dụng rồi.

Để làm được thì phải có công tác chuẩn bị như đăng ký nhà đất thế nào cho rõ ràng, xây dựng các căn cứ để đánh thuế. Làm sao để vừa thu được thuế, vừa đảm bảo việc làm ăn kinh doanh, không ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Việc đánh thuế nhà thứ 2 trở đi hẳn là cũng hạn chế được tiêu cực, tham nhũng?

Việc đánh thuế nhà lũy tiến có thể hướng đến nhiều mục tiêu khác, vừa để phát triển kinh tế vừa hạn chế yếu kém trong quá trình kinh doanh, vừa chống đầu cơ, vừa tạo nguồn thu. Việc đánh thuế nhà còn góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Mục tiêu ấy là rất quan trọng, để thị trường bất động sản vận hành ổn định. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận mặt trái của nó là dòng tiền có thể chảy sang các nước khác để đầu tư. Làm thế nào để tránh được điều này cũng phải cân nhắc kỹ.

Gần nhà tôi có mấy căn biệt thự đẹp, nhưng từ lâu không có người ở. Cứ nghĩ đến những người vật vã thuê trọ trong căn phòng vài mét vuông mà thấy xót xa. Phải chăng khi thực hiện quy định này, sẽ không còn những ngôi nhà, khu đất để hoang phí như thế?

Ở nước ta, việc sử dụng đất không hiệu quả diễn ra khắp nơi. Các khu biệt thự mọc lên như nấm, nhưng không hề có người ở, biến thành các khu đô thị “ma”. Sở dĩ có tình trạng ấy là vì người sở hữu nhà không bị đánh thuế. Họ chỉ mất một ít tiền thuế đất hàng năm, không đáng kể so với giá trị khu đất, căn nhà, biệt thự.

Việc đánh thuế nhà ở các nước cũng áp dụng cho cả với những doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Trong giai đoạn nhà đã hoàn thành thì chủ đầu tư bắt đầu phải nộp thuế nhà.

Ý ông là thuế sử dụng đất của mình còn thấp?

Đúng, mức thuế đóng hiện nay không đáng bao nhiêu. Nếu không bị đánh thuế nhà như hiện nay, thì sẽ ngày càng nhiều khu đô thị ma. Chủ đầu tư cứ có đất là xây nhà để đấy mà không cần tính toán quá cụ thể. Thị trường sẽ phát triển với trách nhiệm cao hơn, thay vì vô trách nhiệm như hiện nay.

Tất nhiên phải tính toán các yếu tố dân sinh xã hội, đảm bảo người nghèo người có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng. Chỉ đánh thuế vào người giàu, giới đầu cơ, tham nhũng…

Cân nhắc kỹ

Có ý kiến cho rằng đề xuất này thiếu khả thi, ông nghĩ sao?

Đề xuất của Bộ Tài chính thu thuế đối với các căn nhà thứ hai trở đi là một đề xuất hợp lý, có thể làm để tăng nguồn thu cho ngân sách nhưng phải làm sao để đảm bảo tính pháp lý.

Chúng ta cần một cải cách lớn về hệ thống thuế nói chung và thuế bất động sản nói riêng, nhất là trong giai đoạn chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu với việc tham gia nhiều cộng đồng thương mại tự do kiểu mới.

Tôi được biết trước đây chúng ta đã bàn đến điều này nhưng chưa thực hiện được?

Trước đây thì đã có đề xuất nhưng chưa thực hiện được do cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, muốn làm thì phải chuẩn bị chu đáo hơn, tránh những cái bất lợi. Để đánh thuế thì đầu tiên phải xác định giá trị căn nhà bao nhiêu trở lên mới đánh thuế. Trường hợp sở hữu 1 nhà nhưng giá trị lớn, hay nhiều nhà nhưng giá trị thấp thì xử lý thế nào?

Ở một số nước trên thế giới hình như họ có đánh thuế sử dụng nhà?

Một trong những nguyên lý quan trọng trong phát triển thị trường BĐS là “thuế cao thì giá thấp, thuế thấp thì giá cao”. Ví dụ ở Mỹ, mua bất động sản khá dễ dàng, giá rất thấp, khoảng một hai triệu USD là có thể mua được một biệt thự sang trọng, nhưng để giữ được bất động sản đó thì không dễ.

Chỉ có những người có công việc, có thu nhập mới giữ được các bất động sản có giá trị tương xứng với thu nhập của mình. Để làm được như thế thì cần phải có lộ trình dài hơi chứ không thể nói là áp dụng ngay được. Cân nhắc kỹ, chuẩn bị đầy đủ, tôi nghĩ là làm được.

Ông có nói đến việc tránh đánh thuế “oan sai”, cụ thể là thế nào ạ?

Ví dụ một cặp vợ chồng trẻ thu nhập rất thấp, được bố mẹ cho cái nhà, thì liệu có bị đánh thuế không? Hay những người đi vay để mua được cái nhà ở, rồi trả nợ dần dần thì có bị đánh thuế không? Hay chỉ đánh thuế vào người có từ 2 cái nhà trở lên?

Vậy người có 1 cái nhà ở quê, lên phố vay mượn mua 1 cái nhà nhỏ để định cư, thì có bị đánh thuế không? Đánh thuế làm sao để “đánh trúng” vào giới đầu cơ, tham nhũng, người giàu, mà người nghèo không bị “vạ lây”. Tránh “oan sai” là vì thế.

Kiểm soát tham nhũng

Tôi tự hỏi hiện có thực trạng cán bộ quan chức không trực tiếp đứng tên nhà mà để họ hàng, con cháu đứng tên, liệu việc quy định nộp thuế như vậy có hạn chế được tham nhũng?

Phải hiểu rằng thuế này đánh vào người sử dụng bất động sản. Việc cho người khác đứng tên sẽ đứng trước rủi ro mất tài sản rất lớn vì người trả thuế là người chủ sở hữu hợp pháp. Khi đã rủi ro nhiều hơn thì tôi nghĩ người ta chẳng dại gì làm thế.

Và người ta sẽ chuyển sang hình thức tích trữ khác?

Thuế lũy tiến đánh vào bất động sản sẽ làm giảm đầu cơ, tích trữ tiền tiết kiệm vào đó, tăng khả năng chuyển vốn đầu tư vào khu vực sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn trong xã hội không đổ quá nhiều vào bất động sản, mà đổ chủ yếu vào sản xuất kinh doanh là cơ hội tốt cho phát triển.

Đánh thuế lũy tiến làm giảm đi tình trạng tham nhũng, rửa tiền thông qua thị trường bất động sản. Chúng ta tiến tới chi tiêu bằng thẻ để kiểm soát dòng tiền, thì việc đánh thuế lũy tiến này cũng là một cách để kiểm soát tham nhũng.

Còn với người nghèo, giấc mơ có nhà ở thành phố liệu có xa vời?

Chính sách thuế sẽ điều phối hợp lý việc phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa, ngăn ngừa tình trạng dân cư quá tải tại các đô thị lớn. Dòng lao động đổ về các đô thị trung tâm sẽ giảm và tản ra các đô thị vệ tinh khác có cơ hội thu nhập cao hơn.

Khi đã tính toán, chắc chắn người nào là đầu cơ bất động sản, người nào là người có nhu cầu về nhà thực sự, thì việc kiểm soát sẽ dễ dàng hơn, thu thuế cũng hợp lý hơn.

Xin cảm ơn ông!

Dự án Luật thuế nhà, đất được Bộ Tài chính nghiên cứu và đưa ra lấy ý kiến từ năm 2009, khi đó Bộ Tài chính đưa ba phương án tính thuế nhà ở. Phương án 1: chỉ thu đối với nhà thứ hai trở lên theo thuế tuyệt đối. Nhà dưới hai tầng không thu thuế, nhà từ hai tầng trở lên có mức thu là 2.000 đồng/m2/năm. Nhà cấp 3 và chung cư thu 1.000-4.000 đồng/m2/năm. Phương án 2: là thu theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỉ đồng mới chịu thuế 0,03%. Phương án 3: thu thuế phần diện tích nhà trên 200m. Nhà cấp 4 không thu thuế, còn nhà hai tầng trở lên thì thu 2.000-4.000 đồng/m2/năm. Với nhà chung cư thì thu từ 1.000-3.000 đồng/m2/năm tùy loại nhà. Tuy nhiên, Luật thuế nhà, đất hay thuế tài sản lại chưa được Quốc hội thông qua vì nhiều ý kiến cho rằng chưa nên đánh thuế nhà, nguồn thu vào ngân sách chưa lớn…

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top