Tranh cãi hai bia đá cổ được cho là về Trạng Trình

Câu chuyện về nhóm nghiên cứu độc lập TS. Nguyễn Văn Vịnh tìm được hai bia đá cổ tại Hải Phòng được coi là có liên quan tới mộ chí Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đang gây xôn xao dư luận.

Ngày 18/5, Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng đã có công văn dừng nghiên cứu. Hãy cùng có những nhìn nhận khách quan nhất.

hai bia đá cổ

Đại danh nơi tìm thấy hai bia đá cổ.

Ý kiến trái chiều về 2 tấm bia đá nhiều tranh cãi

Trời tháng 5 nóng bức, công văn ngày 18/5 của Sở Văn hóa-Thể thao TP Hải Phòng gửi UBND TP Hải Phòng về việc dừng nghiên cứu về 2 bia đá vừa được nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) làm trưởng nhóm càng nóng lên.

Phóng viên báo Khoa học & Đời sống đã tìm tới nhóm nghiên cứu TS Vịnh nói: trong vòng có 12 ngày, Sở Văn hóa –Thể thao Hải Phòng đã đưa ra những ý kiến mang tính kết luận và đề xuất tại 2 văn bản với cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của TP về việc dừng nghiên cứu về lĩnh vực Di sản văn hóa là chưa cẩn trọng, quá vội vàng.

Thậm chí rất kiêng kỵ khi ứng xử với lịch sử, với di sản nhất là đối với bậc đại tiền nhân như Cụ Trạng Trình.

Một khi mọi việc chưa được chính ngôn, chưa được tổ chức nghiên cứu, giám định, xác định thật kỹ lưỡng của các tổ chức khoa học đầu ngành có pháp nhân, uy tín, có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài thì chưa có thể kết luận được điều gì.

Thử hỏi nếu nội dung ở 02 văn bia trên là những lời sấm truyền của Cụ Trạng chưa được phát hiện, chưa được công bố, chỉ dẫn một điều gì đó có liên quan tới lịch sử, tới đại sự quốc gia lại bị gạt bỏ bởi sự nhận thức, hiểu biết, đơn giản thực thi không đúng quy định của pháp luật thì những hệ lụy về mặt khoa học, về lịch sử, thậm chí những điều còn lớn hơn nữa sẽ như thế nào?”.

Điểm xác định trên bản đồ nơi tìm thấy hai bia đá.

Từ “Sấm truyền” đến những nghiên cứu khoa học tổng hợp để tìm

Giở tấm bản đồ nghiên cứu định vị bằng vệ tinh để đi tìm di sản Trạng Trình, TS Vịnh khẳng định, ông đại diện nhóm Nghiên cứu Khoa học Xã hội độc lập (nghiên cứu các vấn đề xã hội với phương châm tự nguyện không vụ lợi)

…đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu các tư liệu, tài liệu, sử sách, các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, học giả đã được công bố về thân thế, sự nghiệp của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như các di sản sấm truyền, thơ, ca của Cụ để lại cho hậu thế.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy đối với Cụ Trạng còn rất nhiều điều bí ẩn cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được. Đây cũng chính là mục tiêu nghiên cứu của nhóm.

TS. Vịnh phân tích trên bản đồ, không phải ngẫu nhiên mà nhóm về Hải phòng nghiên cứu. Trên cơ sở bằng nhiều phương pháp nghiên cứu các câu sấm truyền của Cụ Trạng.

Những câu đồng dao, thơ, ca lưu truyền trong dân gian, các tư liệu ghi chép trong sử sách, kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở cả TW và địa phương kết hợp với rất nhiều lần đi nghiên cứu điền dã thực địa các địa danh như: Ba Đa, Ba Đồng, Chùa Đót, Thanh Trì …

Và qua định vị bằng vệ tinh, nhóm nhận thấy, nếu nối các địa danh trên với nhau theo trục kinh và vĩ tuyến sẽ thấy các điểm trên cắt nhau tại một tâm điểm.

Từ tâm điểm này – đến các địa danh liên quan trên có bán kính như nhau khoảng gần 3.5km. Tâm điểm được xác định là khu Cống Cá thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết.

Từ tâm quay 1 vòng tròn qua các địa danh trên cho chúng ta thấy đây chính là tâm của một hình tròn có dạng “Hình Thái cực”.

Do sự phân chia của Sông Thái Bình (Sông Hàn – Tuyết giang) nên khu vực này trước đây vốn là một gò đất nổi rộng gần 2 sào (700m2). Cũng từ tâm này nối đến đền thờ Cụ Trạng thì ta thấy, tâm điểm, Trung tân quán và đền thờ cùng nằm trên một đường thẳng.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây địa phương đã giao cho gia đình ông bà Sĩ, Thư thuê để làm ruộng nuôi rươi, gia đình đã san gạt phẳng gò đất này.

Trong cái nắng cháy da, cháy thịt đầu hè, ngày 2/5 nhóm đã về Hải Phòng để bắt đầu công việc tìm kiếm di chỉ liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu vực cống Cá, thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết.

Ngày 6/5, nhóm này phát hiện 2 tấm  bia đá có nhiều chữ nho ở sát sông. Bia có chiều cao khoảng 40cm, chiều ngang 30cm và dày 7 cm.

Nhóm đã dịch sơ bộ và cho rằng, 2 tấm bia có liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và ngày 7/5 đã giao bia đá cho địa phương.

Mặt sau của bia đá với chữ Hán Nôm được coi có liên quan đến mộ chí của Trạng Trình.

Nghiên cứu có sai với quy định?

Đưa ra văn bản của Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng về viện nhóm nghiên cứu không đúng pháp luật, TS Vịnh cho biết, trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện 02 tấm bia này nhóm đã cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật:

Đã đăng ký, gặp trực tiếp báo cáo với người đứng đầu thành phố là ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố (ngày 25/ 4/2018).

Sau đó, nhóm đã xuống huyện Tiên Lãng làm việc, báo cáo với CA huyện, trực tiếp Phó huyện trưởng CA đã tiếp và cử cán bộ CA huyện phụ trách địa bàn xã Kiến Thiết đưa nhóm xuống và làm việc với các ông: Chủ tịch, Bí thư và Trưởng CA xã để đề nghị có sự hợp tác và tạo điều kiện cho công việc khảo sát nghiên cứu.

Trước ngày 06/5/2018, nhóm đã liên lạc lại với lãnh đạo xã Kiến Thiết nhưng các vị trên đều bận công tác, mặt khác lại vào ngày chủ nhật, nên các cơ quan của địa phương không làm việc.

Do đã ấn định ngày, giờ cho nên vào lúc 9 giờ sáng chủ nhật, 06/5/2018, nhóm phải chủ động tiến hành công việc và mời hai vợ chồng ông Sĩ cùng hai người dân cùng thôn Thanh Trì tham gia khảo sát sơ bộ, dùng thuốn nhỏ kiểm tra.

Sau khoảng gần một giờ nhóm đã phát hiện và đưa hai tấm bia trên lên.

“Sau khi đưa 02 tấm bia lên, chúng tôi đã làm vệ sinh sạch sẽ để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.

Tuy nhiên do hôm đó là ngày Chủ nhật  các cơ quan công quyền của địa phương không làm việc nên 02 tấm bia được gửi lại tại gia đình Ông Sĩ, Bà Thư và 8h30’ sáng bia được chuyển lên UBND xã báo cáo và đề nghị phối hợp thực hiện các bước tiếp theo.

Để quản lý, bảo quản hiện vật theo đúng luật, chúng tôi đề nghị xã Kiến Thiết làm biên bản bàn giao hiện vật để xã quản lý (biên bản kèm theo).

Hiện nay 02 tấm bia cổ trên đang được UBND xã Kiến Thiết ký dán niêm phong và quản lý tại trụ sở UBND xã” – TS. Vịnh nói.

Sau khi có những thông tin về quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện được 02 tấm bia, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã tổ chức cuộc họp làm việc tại xã, sau đó có 02 văn bản báo cáo UBND thành phố:

– Văn bản số 820/SVHTT-QLDSVH, ngày 08/5/2018. Trong đó có quy kết nhóm chúng tôi thăm dò, khai quật khảo cổ tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng là sai quy định của pháp luật.

– Văn bản số 926/SVHTT-QLDSVH ngày 18/5/2018 trong đó Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng kết luận 02 tấm bia trên là hiện vật trôi nổi; không rõ nguồn gốc. Vì vậy đề nghị UBND TP chỉ đạo không tiếp tục cho nghiên cứu nữa”.

(Còn nữa)

Nhật Hà

Theo Đời sống
back to top