Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Thói đời” - kỳ 3: Nhà tiên tri số một của Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Nhà tiên tri số một của Việt Nam là danh xưng nhân dân dành tặng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".

Nhắc nhở tính thiện trong mỗi người

Mấy trăm năm đã qua, nhưng “Thói đời” chưa bao giờ cũ, chưa bao giờ mất, chưa bao giờ sai…, vẫn hiển hiện trong đời sống thường nhật của con người với tính triết lý sâu xa của nó.

Những cụm từ còn, hết, trùng điệp và đối xứng nhau trong hai câu thực như góp phần mô tả sự trắng trợn, thẳng thừng đến mức phũ phàng của tình đời đen bạc. Cách ngắt nhịp của cả hai câu thực cũng bật lên giọng điệu cứng rắn, đến lạnh lùng.

Hai câu thực đã toát lên ý chính, tư tưởng chính của bài thơ: con người chỉ sống vụ lợi, vì miếng cơm manh áo, (bạc, tiền, cơm, rượu) làm gì có đạo lý và nhân nghĩa. Làm gì còn tình nghĩa đệ tử và đạo lý ông tôi. Mối tương quan đó chỉ có giá trị khi đi liền với bạc, tiền và cơm, rượu. Hết chất xúc tác đó thì các thực thể tách rời nhau.

Đừng tưởng rằng đã cùng nhau trải qua bao cảnh ngộ mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi, thì tình phải sâu hơn, nghĩa phải trọng hơn. Nhưng thực tế phũ phàng đã cho ta một bài học: sự từng trải chỉ giúp ta có một nhận thực chính xác hơn, xót xa hơn về lòng dạ người đời bội bạc và vụ lợi.

Ngày nay đọc Nguyễn Bỉnh Khiêm ta thấy nhà thơ xưa và nay, con người dù ở bất cứ nơi đâu và thời nào cũng thế. Người thức giả dù từng trải việc đời, cũng chỉ biết mô tả, mỉm cười nhẹ nhàng khoan dung để mong sửa đổi chút phong hoá… nên ở hai câu luận, tác giả nhắc nhở cái tính thiện trong thâm tâm mỗi con người: “xưa nay, đều trọng người chân thực - Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi”.

Chân thực là cái vốn quí mà trời đất đã cho ta. Mỗi người phải biết vun bồi sửa chữa mỗi ngày để hoàn thiện mình và cải tạo cuộc đời cho ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Đó là đạo lý của cuộc sống. Vì dù sao chăng nữa, con người vẫn biết trọng nhân nghĩa, ghét gian tà.

Vả lại, phải là người sống từng trải sâu sắc như thế nào, tác giả mới nhận xét thấu đáo cuộc đời, khả dĩ tìm một con đường ứng xử thích hợp hơn: “Ở thế, mới hay người bạc ác - Giàu thì tìm đến, khó tìm lui”… “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử - Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”.

Hình ảnh minh họa chân lý thường cụ thể, gần gũi trong đời sống hàng ngày, ai cũng thấy, cũng biết nên câu thơ triết lý mà không nặng nề, trái lại, được người đọc vận dụng ngay vào đời sống, biến nó thành một dạng thức biểu hiện tình cảm của chính mình trước mọi hay dở của cuộc đời: “ Thớt có tanh tao ruồi đậu đến - Sanh không mật mỡ kiến bò chi”.

Nhà tiên trí số một của Việt Nam

Tương truyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là một nhà tiên tri, tác giả của nhiều lời sấm. Nhà Mạc, nhà Trịnh, nhà Nguyễn đều đến xin lời khuyên của ông để dựng nghiệp. Ông khuyên nhà Mạc lên Cao Bằng, khuyên nhà Nguyễn vào Hoành Sơn, khuyên nhà Trịnh đừng có lật vua Lê (giữ chùa mà ăn oản).

Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau. Người Trung Hoa khen Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là "An Nam lý số hữu Trình Tuyền". Ông tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".

Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cả cuộc đời thanh cao, nhân ái gắn bó với dân với nước. Nhà sử học Phan Huy Lê viết về Nguyễn Bỉnh Khiên: "Văn chương ông tự nhiên, nói ra là thành, không cần gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị đều có quan hệ đến việc dạy đời".

Theo Đời sống
back to top