Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Thói đời”

(khoahocdoisong.vn) - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Thói đời”. Ông là một trí thức lớn, một nhà lý học lỗi lạc, có tâm, có chí. Ông đã dành cả cuộc đời thanh cao, nhân ái gắn bó với dân với nước. 

Được nhà Mạc hết lòng trọng đãi

Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trình quốc công, Trạng Trình, 1491-1585) quê làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng); học trò của bảng nhãn Lương Đắc Bằng, đỗ Trạng nguyên năm 1535, làm quan triều đình nhà Mạc, được vua Mạc phong tước Trình tuyên hầu, nên người đời gọi là Trạng Trình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân trong một gia đình trí thức, thuở thiếu thời nổi tiếng thông minh, ham học và học giỏi, sớm bộc lộ những đức tính cao quý, cương trực và đầy lòng nhân ái. Sử sách còn ghi, trí nhớ của ông thật đặc biệt, xếp vào hạng siêu phàm; năm lên 4 tuổi, đã thuộc làu hàng loạt kinh truyện mà mẹ ông đã dạy.

Khi còn là cậu học trò, ông theo học thầy bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy phả cho "luồng sinh khí" từ bộ sách "Thái ất thần kinh" đời nhà Minh, nên đã khơi mạch, mở tầm, thông hiểu được lẽ huyền vi của tạo hóa, sự chuyển vận của vũ trụ về tự nhiên, xã hội, con người…

Nguyễn Bỉnh Khiêm được bạn bè nhất mực kính yêu, khâm phục nên tôn xưng là Tuyết Giang Phu Tử. Nhưng mãi đến năm 1535, lúc khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại chính 6, đời Mạc Đăng Doanh, ông mới đi thi và đỗ Trạng Nguyên.

Nhà Mạc chiêu mộ hiền tài nhằm khôi phục xã hội để trăm họ một cuộc sống thái bình và thịnh trị từ hậu tàn của sự suy đồi, thối nát của các vương triều cuối Lê, Nguyễn Bỉnh Khiêm được triều Mạc hết lòng trọng đãi, ban cho nhiều chức quan cao và phong tước Trình truyền hầu.

Ra khỏi chính sự rối ren

Nguyễn Bỉnh Khiêm sống gần trọn thế kỉ XVI, là thế kỷ vô cùng rối ren trong lịch sử đất nước, thời kì phong kiến suy vi. Năm1527, nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê; nhà Lê trung hưng (với sự giúp rập của Nguyễn Kim và sau đó của họ Trịnh) chống lại, tạo nên tình trạng cát cứ, đánh nhau liên miên.

Từ năm 1545, Trịnh - Nguyễn phân tranh. Nhà Nguyễn cát cứ từ Thuận Hoá trở vào. Chiến tranh thôn tính giữa Bắc Triều (nhà Mạc) và Nam Triều (Lê - Trịnh) kéo dài hơn nửa thế kỉ, nhân dân lầm than ly tán. Các tập đoàn phong kiến thành bại, hưng vong, đổi thay trong chớp mắt...

Trước thực trạng thời thế xoay vần, đã tạo một tâm trạng bất an trong lòng người. Nguyễn Bỉnh Khiêm - một trí thức lớn, một nhà lý học lỗi lạc, có tâm, có chí, từng trăn trở nhập thế giúp nước, giúp đời cũng trong tâm trạng ấy.

Vào năm 1543, trước cảnh bầy tôi lộng quyền, ông mạnh dạn vạch trần sự tha hóa, thối nát rồi dâng trảm sớ lên vua đối với 18 đình thần biến chất, mưu phản; song không được nhà vua chấp thuận.

Tâm nguyện phò vua giúp nước không thành, rốt cuộc ông đã phải đi đến chấp nhận hiện tình của lịch sử đương thời là một tất yếu và bất khả kháng. Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định cáo quan, ra khỏi chính sự đầy rối ren và về quê ở ẩn lúc mới 53 tuổi, mặc dù ông vẫn được nhà Mạc mời gọi, ban tước cao, tận dụng uy vọng của ông để giúp triều đình này tồn tại.

Tại quê nhà, Nguyễn Bỉnh Khiên lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, viết văn, làm thơ, biên dịch sách, nghiên cứu kinh sử, chắt lọc những tinh hoa của các đạo pháp ngoại lai, bổ sung tính chất giản dị mà sâu sắc của văn hóa Việt để giáo hóa người đời và dạy dỗ học trò thành người có đức có tài, hữu ích cho đất nước.

Với tên hiệu Bạch Vân Cư sĩ lan truyền rộng khắp, học trò khắp nơi đổ về thụ giáo ngày một đông. Học trò của ông sau này rạng danh, trở thành nhân tài kiệt xuất trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn học như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ...

(còn nữa)

Theo Đời sống
Sự thật ít người biết về rắn cườm

Sự thật ít người biết về rắn cườm

Mặc dù không độc, nhưng rắn cườm thường bị nhầm lẫn với rắn lục cườm, một loài rắn thực sự độc hại. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp "chết oan" khi con người lầm tưởng rằng rắn cườm cũng độc.
back to top