Trấn Quốc công Bùi Tá Hán

Trấn Quốc công

Trường Lũy ở Quảng Ngãi.

Thu phục xứ Quảng, không người thiệt mạng

Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, Mạc Đăng Dung cướp ngôi, dựng lên nhà Mạc năm 1527. Sĩ phu nhà Lê nhiều người không chịu thần phục, liền chiêu tập nghĩa binh, dựng cờ “Phù Lê diệt Mạc”. Các lực lượng chống Mạc dần dần quy tập dưới cờ Nguyễn Kim, một cựu thần nhà Lê, nổi lên từ Châu Ái nay thuộc Thanh Hóa.

Sau khi nhà Lê được khôi phục năm Ất Tỵ 1545, dưới triều vua Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán được giao là Tổng chỉ huy quân đội, đã thu phục cả vùng đất xứ Quảng (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) từ tay nhà Mạc mà quân sĩ cả hai phía tham chiến gần như không một người nào thiệt mạng.

Sau đó được giao bình ổn vùng Thừa tuyên Quảng Nam, Bùi Tá Hán  đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Triều đình phong cho ông chức Đô tướng dinh Quảng Nam, sau thăng Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn Quận công.

Dinh Quảng Nam bấy giờ là miền biên trấn xa xôi, vùng bàn đạp trong công cuộc Nam tiến của người Việt. Lúc này, ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi và Quảng Nam thường bị giặc Đá Vách của nhóm người dân tộc thiểu số ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi và quân Chiêm Thành xâm chiếm đánh phá, Bùi Tá Hán nhiều lần đã lãnh đạo dân chúng và quân sĩ chiến đấu giữ gìn cương vực, lãnh thổ.

Để bảo vệ vững chắc miền đất này, Bùi Tá Hán chủ trương đặt một số đồn binh và đắp các đoạn lũy ở tây Quảng Nam, Quảng Ngãi vừa để kiềm phòng, vừa tạo điều kiện cho sự giao thương ổn định giữa miền xuôi và miền ngược. Chính ông đã đốc thúc quân dân xây đắp thành lũy cao 2m, chạy dài từ huyện Tư Nghĩa đến huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi để chống nhau với giặc Đá Vách.

Quản lý bằng chính sách an dân

Đồng thời, trong suốt thời gian quản lãnh nhiệm vụ ở đây, Bùi Tá Hán đã cho thực thi nhiều chính sách thích hợp đối với dân chúng và các tộc người thiểu số, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống, sửa đổi nếp sinh hoạt và phong tục người dân theo hướng tiến bộ, phát triển giao thương, giữ sự giao hòa giữa người Kinh và các tộc người thiểu số; dẹp yên trộm cướp, giữ vững trật tự xã hội.

Từ thời kỳ trấn nhậm của Bùi Tá Hán, vùng đất Quảng Nam ngày càng thịnh vượng, trở thành chỗ dựa vững chắc của chúa Nguyễn sau này, cung cấp nhiều nhân tài vật lực cho sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam.

Vùng miền tây Quảng Ngãi vẫn còn nhiều dấu vết Trường lũy phòng bị ở nhiều khu vực, một số vườn cây ăn trái mà dân gian gọi là Vườn Ông Trấn. Đây chính là những tuyến phòng thủ vững chắc và cả những vườn cây do dân và binh lính, theo lệnh Bùi Tá Hán, trồng lên chung quanh các đồn, để mọi người cùng hưởng lợi.

Tuy nhiên, hậu thế coi Bùi Tá Hán là thành hoàng của mảnh đất này không phải do ông có nhiều công lao trong chiến trận mà chủ yếu có nhiều công lao trong quản lý vùng đất phên giậu đầu sóng ngọn gió của Đại Việt thế kỷ XVI bằng các chính sách an dân và bằng tư duy tiến bộ so với đương thời.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top