Trần Minh Tông và bài học về sử dụng hiền tài – kỳ 3: Ám ảnh bởi vụ án oan

m ảnh bởi vụ án oan về cái chết của Thượng tể Trần Quốc Chẩn là bài học đau xót nhất trong lịch sử 175 năm thịnh trị của nhà Trần và cũng là bài học quý giá cho các thời đại sau.

Đền Quốc Phụ (Chí Linh, Hải Dương)

Nối nghiệp thái bình

Đánh giá về Trần Minh Tông, sử thần Phan Phu Tiên viết: Minh Tông có tư chất nhân hậu, nối nghiệp thái bình, không thay đổi phép tắc của ông cha đã định. Khi bấy giờ có người học trò dâng sớ nói rằng: “Dân gian nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ hộ, mà lại không đóng góp phú thuế và sưu dịch“.

Ngài bảo: “Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa!”.

Triều thần là Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh đều muốn thay đổi chế độ. Ngài nói: “Nước nhà đã có nền nếp sẵn rồi, nếu nghe mưu kế muốn cho lời mình được đắt của bạch diện thư sinh kia thì sẽ sinh rối ren đấy!”. Có điều đáng tiếc là ngài nghe lời gian nịnh của Trần Khắc Chung mà giết Quốc Chẩn: đó là một điều làm vấp cho trí thông minh của ngài.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng nhận định: “Vua Trần Minh Tông đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không biết Khắc Chung là kẻ gian tà, đến nỗi Quốc Chẩn phải chết oan, đó là chỗ kém thông minh vậy…
Cũng như các đời vua trước, Minh Tông hay sáng tác thơ, văn. Dù lúc lâm chung hầu hết đã bị đốt theo ông, nhưng nay vẫn còn giữ lại được một số bài.

Có thể nói, dưới những sắc thái khác nhau, thơ ông đã phản ánh trung thực tư tưởng, tình cảm và tính cách vua ông. Qua thơ, Minh Tông tỏ ra là một vị hoàng đế có tinh thần chủ động, năng nổ với việc chính sự, ưu ái đối với các bề tôi giỏi, thương yêu dân chúng trong bờ cõi và cả dân chúng các nước láng giềng.

Thơ Minh Tông hùng hồn, phóng khoáng, nhưng cũng tinh tế. Trong thơ Minh Tông không ngần ngại bộc bạch những tâm sự sâu kín, những lỗi lầm thời trẻ mà sau này ông mới nhận thức được.

Dạ vũ – một lời xin lỗi

Theo sử liệu, trong cuộc đời mình, Vua Trần Minh Tông lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vụ án oan cha vợ của mình. Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn với tên gọi là “Đền quốc phụ” nằm bên tả ngạn sông Kinh Thầy.

Ngày nay, ngôi đền này là một trong 8 di tích thuộc “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng được nhiều sử sách ghi nhận. Trước kia đền thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay thuộc thôn Nẻo, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

30 năm sau nghi án giết oan chú ruột, đồng thời là cha vợ của mình là Trần Quốc Chẩn 1356), ngài về thăm đền thờ, lúc này ngài đã trở thành Thái thượng hoàng, Ngài đã làm bài thơ  “Dạ vũ” để tự trách mình. Bài thơ như sau:

Thu khí hòa đăng thất thự minh – Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh – Tự tri tam thập niên tiền thác – Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.

Tạm dịch: Hơi thu và ánh đèn mờ đi trước ánh ban mai – Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn – Tự biết sai lầm của ta ba mươi năm trước – Đành ôm sầu ngồi nghe mưa rơi.

“Dạ vũ” là bài thơ trữ tình, mang đậm nét suy tư trầm buồn của một vị Thượng hoàng trong cảnh đêm mưa thu sắp tàn, nghĩ suy, ân hận vì những điều mình đã gây ra mà không sao sửa sai được… bài thư như một lời tạ lỗi.

Về cái chết oan khiên của Trần Quốc Chẩn, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép lại lời của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau: Một con người tài đức vẹn toàn như Trần Quốc Chẩn mà phải chịu cái án oan trên đầu rồi trả giá bằng chính mạng sống của mình thì quả là đáng tiếc. Đây là bài học đau xót nhất trong lịch sử 175 năm thịnh trị của nhà Trần và cũng là bài học quý giá cho các thời đại sau về đào tạo cũng như sử dụng người hiền tài.

 Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
back to top