Trầm lắng thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam

(khoahocdoisong.vn) - Chịu ảnh hưởng kép từ đà suy giảm cuối năm 2020 và dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục trầm lắng. Thậm chí, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gần như chững lại.

Nguồn cung giảm, tỷ lệ tiêu thụ thấp

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam) cho biết, trầm lắng là tình trạng chung của thị trường khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong đó, phân khúc sản phẩm đất nền gây được sự chú ý nhất khi nguồn cung tăng nhẹ.

Tại Đà Nẵng, nguồn cung mới tăng không đáng kể, sức tiêu thụ chung ở mức khá thấp so với năm 2020, chủ yếu tập trung dọc theo hai bên sông Cổ Cò. Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp kém sôi động, tính thanh khoản khá thấp. Giá thứ cấp ghi nhận mức giảm trung bình khoảng 5 - 10% so với năm 2020.

Còn tại Quảng Nam, thị trường có xu hướng dịch chuyển về khu vực phía Nam với khoảng 9 dự án mở bán, cung cấp khoảng 718 sản phẩm ra thị trường, giảm 17% so với năm 2020 (khoảng 863 sản phẩm). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 67% (khoảng 480 sản phẩm), giảm 17,5% so với năm trước (582 sản phẩm). Tương tự Đà Nẵng, nguồn cung đất nền tại Quảng Nam chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó, nhưng vẫn khá thấp so với giai đoạn trước năm 2019.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, nguồn cung đất nền tại Quảng Nam chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, nguồn cung đất nền tại Quảng Nam chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó.

Đối với phân khúc căn hộ, trong 7 tháng đầu năm, nguồn cung mới tại Đà Nẵng đến từ 4 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 236 căn, chỉ bằng 46% năm 2020 (516 căn). Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn. Tỷ lệ tiêu thụ cũng chỉ đạt khoảng 55% (130 căn), bằng 49% so với năm trước (263 căn), sức tiêu thụ khá thấp trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Mặt bằng giá bán thứ cấp tiếp tục giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức giảm giá thứ cấp bình quân khoảng 1,4% so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo DKRA Vietnam, "mặc dù diễn biến kéo dài của dịch bệnh và việc áp dụng các biện pháp giãn cách đã ảnh hưởng chung đến tình hình kinh tế - xã hội, nhưng một số dự án vẫn được giới thiệu ra thị trường và được khách hàng đón nhận. Điều này cho thấy thị trường khu vực miền Trung còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phục hồi, phát triển ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát".

Trong khi đó, nguồn cung của phân khúc nhà phố, biệt thự, shophouse tuy tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Đà Nẵng đón nhận 2 dự án mới mở bán, chủ yếu là loại hình shophouse cung cấp ra thị trường khoảng 106 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 87% (92 căn).

Tại Quảng Nam, nguồn cung mới chuyển biến tích cực với 3 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 167 căn, gấp 3,1 lần so với cả năm 2020 (54 căn). Các dự án nhà phố liền kề, biệt thự diện tích nhỏ (dưới 200m2), mức giá từ 8 - 10 tỷ đồng/căn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Chờ dịch bệnh được kiểm soát

Đối với phân khúc biệt thự biển, đây là lần thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng không ghi nhận nguồn cung mới. Trong khi đó, thị trường Quảng Nam đón nhận 2 dự án mở bán với khoảng 55 căn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ rất thấp, chỉ khoảng 5% (3 căn).

Riêng phân khúc condotel không có nguồn cung mới. Báo cáo của DKRA Vietnam cho biết, tại Đà Nẵng đã không ghi nhận dự án mới mở bán, tình trạng nguồn cung mới tiếp tục xu hướng giảm. Sản phẩm chủ yếu trên thị trường đến từ các dự án đã mở bán trong giai đoạn trước năm 2019, tuy nhiên, số lượng khá khiêm tốn. Sức tiêu thụ rất thấp, thị trường gần như chững do tác động của dịch Covid-19.

“Còn tại Quảng Nam, thị trường cũng không ghi nhận dự án mới ở phân khúc này, trong khi tiếp tục rơi vào giai đoạn trầm lắng. Các dự án trước đó tập trung dọc theo trục đường ven biển Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa và Lạc Long Quân. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động. Điểm đặc biệt là xu hướng áp dụng chương trình chia sẻ lợi nhuận thay cho cam kết lợi nhuận phổ biến ở nhiều dự án của phân khúc này” – báo cáo cho biết.

Phân khúc condotel tại Đà Nẵng và Quảng Nam không ghi nhận có dự án mới mở bán.
Phân khúc condotel tại Đà Nẵng và Quảng Nam không ghi nhận có dự án mới mở bán.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho biết, dù tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam diễn phức tạp, kéo theo nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị hạn chế, nhưng về cơ bản hai địa phương này đã kiểm soát tốt hơn một số nơi khác. Thị trường bất động sản vẫn có một vài dự án ra hàng và có giao dịch ở cả phân khúc căn hộ và đất nền. Dù số lượng giao dịch còn rất thấp, nhưng điều này đã thể hiện tiềm năng của thị trường bất động sản tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Hiện nay, cả nước đang trông đợi và tin tưởng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt từ nay đến nửa cuối tháng 9. Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ dần nới lỏng và gỡ bỏ, từ tháng 10 các hoạt động kinh tế - xã hội có thể trở lại bình thường, thị trường bất động sản cũng từng bước khởi động trở lại.

Tuy nhiên, nguồn cung mới và sức tiêu thụ khó có thể như trước đây, thậm chí giảm nhẹ so với nửa đầu năm 2021. Ngoài ra, một số chủ đầu tư đã có sự chuẩn bị để có thể ra hàng trong quý 4/2021. Dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng/gỡ bỏ, đây là điều kiện tiên quyết để thị trường bất động sản Đà Nẵng và Quảng Nam có thể khởi động tích cực trở lại. Phân khúc tiềm năng nhất sắp tới vẫn là đất nền và căn hộ. Bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều thách thức do giá trị lớn (chỉ dành cho người có điều kiện tài chính) và phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch.

Như đã nói, sức mua có thể giảm, nhưng vì nguồn cung đã hạn chế, nên đây là cơ hội cho những người có điều kiện tài chính tìm được những bất động sản phù hợp, với chính sách bán hàng hấp dẫn từ các chủ đầu tư. 

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, chỉ những dự án hội tụ nhiều yếu tố an toàn như: đầy đủ pháp lý, tiến độ xây dựng rõ ràng, chất lượng dự án vượt trội, năng lực chủ đầu tư, tên tuổi đơn vị quản lý vận hành, chính sách bán hàng hấp dẫn… mới có thể thu hút được khách mua” - theo ông Nguyễn Hoàng.

Theo Đời sống
back to top