Trại gà Hòa Phát gây ô nhiễm: Chính quyền "quyết liệt" ngăn chặn, cá của dân vẫn chết vì ô nhiễm?

(khoahocdoisong.vn) - Sau sự cố nước từ các “bể sinh học” tràn ra hồ Ngả Hai khiến cá chết hàng loạt (tháng 10/2019), Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát đã bị chính quyền tỉnh Phú Thọ xử phạt hơn 400 triệu đồng.

Lạ lùng chuyện lỗ kinh doanh, lãi nhờ chất thải

Đó là khẳng định của đại diện Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát (Hòa Phát) trong buổi làm việc với PV báo KH&ĐS. Theo đó, ông Phạm Ngọc Chính, đại diện Hòa Phát cho biết, hiện công ty đang lãi chủ yếu từ bán phân gà. Còn việc bán trứng – vốn là ngành nghề kinh doanh chính của Công ty – lại đang lỗ tới 70 tỷ đồng.

Hiện, Hòa Phát đã xây dựng nhà máy xử lý thải, diện tích 6.000 m2, ứng dụng công nghệ Hàn Quốc, công suất 150 tấn/ngày đêm, dung tích bể có thể chứa đến 15.000 m3 chất thải.

Theo đó, chất thải (phân gà) thu gom từ trong trại nuôi và đưa ra nhà xử lý. Tại đây, chất thải được trộn ủ với vỏ trấu, cám, men vi sinh để tạo thành phân hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng, nhu cầu thị trường lớn, nên tiêu thụ hết. Hiện mỗi tháng Hòa Phát sản xuất được 400 – 500 tấn phân hữu cơ, bán với giá 1 triệu đồng/tấn.

“Đây là tiền lãi. Nên nói chúng tôi đổ phân ra hồ Ngả Hai gây ô nhiễm, khác gì nói chúng tôi đổ tiền đi” - ông Chính phân trần.

Tuy nhiên, đại diện của Hòa Phát cũng thừa nhận, có việc chất thải chảy từ các bể sinh học ra hồ khiến cá chết. Các hồ sinh học này là nơi chứa, ủ chất thải trong quá trình chăn nuôi gà. Theo ông Chính, các bể chứa sinh học này là phát sinh thêm, không có trong giấy phép DTM của dự án. “Cái này không phải là chúng tôi không xây dựng điểm xử lý thải. Thực tế chúng tôi đã tốn hàng trăm triệu san lấp mặt bằng để xây dựng nhà máy xử lý thải, nhưng 3 lần đề xuất với tỉnh địa điểm xử lý thải chưa được tỉnh đồng ý” - ông Chính nói.

Do chưa có địa điểm xử lý thải, buộc doanh nghiệp phải đào các hố phân này để làm chỗ chứa tạm thời. Tháng 11/2018, Công an tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra và xử phạt Hòa Phát 70 triệu đồng. Sau đó, doanh nghiệp đã thuê đơn vị hút thải để dọn những bể này và đã hút khoảng 800 m3. Còn 5 hố, dung tích khoảng 2.000m3, doanh nghiệp cam kết sau 3 tháng sẽ giải quyết dứt điểm.

Đồng thời, Hòa Phát đã xây dựng nhà xử lý thải, bể biogas và đến nay đã đi vào hoạt động. Phần nước thải (nước rửa chuồng, chất thải lỏng…) sẽ được lắng lọc sinh học, xử lý bằng men vi sinh, đảm bảo quy chuẩn hiện hành trước khi xả ra môi trường. Việc xử lý mùi phát sinh bằng hệ thống hút mùi kết hợp màng lọc nước và men vi sinh.

Đại diện của Hòa Phát khẳng định, hệ thống này đảm bảo xử lý thải cho toàn bộ giai đoạn 2 của dự án (công suất nuôi 1,2 triệu con gà). Một số hạng mục vốn không có trong DTM, Hòa Phát đã đề nghị tỉnh cho bổ sung. Nhưng do sự cấp bách cần có các hố chứa xử lý thải, doanh nghiệp đã khởi công xây dựng trước, hiện đã đi vào hoạt động.

“Nếu đợi được cấp phép DTM mới khởi công, thì có khi đến sang năm mới có giấy phép, lúc đấy lại thêm ô nhiễm thì biết làm sao ?” - ông Chính phân trần. 

Đại diện Hòa Phát cũng cho biết đã trực tiếp xuống gặp dân và có các phương án bồi thường ô nhiễm, với tổng số bồi thường là hơn 944 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng xây dựng hệ thống nước sạch để người dân sử dụng.

Chính quyền: Biết, xử phạt và…

Nói rõ hơn về việc Hòa Phát bồi thường do gây ô nhiễm cho người dân xung quanh hồ Ngả Hai, ông Nguyễn Vinh An, Chi cục Phó Kiểm soát môi trường, Sở TNMT tỉnh Phú Thọ đánh giá: Phía Hòa Phát đang tích cực khắc phục hậu quả.

Chính quyền tỉnh cũng đã xử phạt đối doanh nghiệp với tổng mức phạt hành chính là 442,5 triệu đồng vì hành vi “thực hiện không đúng một trong những nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”, và hành vi  đổ thải chất rắn ra môi trường công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến 80.000 kg (Công ty đã thải khối lượng 68.600 kg).  Với hai vi phạm trên, Hòa Phát bị xử phạt lần lượt là 80 triệu đồng và 250 triệu đồng.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng áp dụng điều khoản phạt tăng nặng thêm 45% so với mức phạt tại điểm l khoản 9 Điều 20 Nghị định 155, tương ứng 112,5 triệu đồng. Với tổng mức xử phạt tới 442,5 triệu đồng, thêm khoảng bồi thường gần 1 tỷ đồng.

Theo ông An, Hòa Phát đã xả ra môi trường 2.000 m3 thải, và cho biết đây là “số lượng do doanh nghiệp cung cấp”. Về cách xác định số lượng thải (68,6 tấn), ông An cho biết đã cho hút thải lên các xe bồn, sau đó đưa cân và có số lượng thải trên.

Như vậy có thể hiểu 2.000m3 thải tương đương 68,8 tấn, gần như một con số tượng trưng. Tuy nhiên, thực tế việc xả thải ra môi trường của Hòa Phát bao gồm cả chất lỏng và chấn rắn. Trong đó, một phần thải lỏng đã thẩm thấu xuống đất và ảnh hưởng đến mạch nước ngầm – và là nguyên nhân khiến Hòa Phát buộc phải lắp đặt đường ống nước để cấp nước cho người dân.

Ngoài ra, trong quyết định xử phạt, không rõ Sở TNMT tỉnh Phú Thọ vô tình hay cố ý nhầm lẫn giữa việc viện dẫn các quy định xử phạt. Điểm e khoản 1 Điều 9 xử phạt tối đa 40 triệu đồng. Điểm l khoản 9 Điều 20 xử phạt tối đa 150 triệu đồng.

Việc xử phạt tăng thêm, Quyết định xử phạt cũng không nêu rõ hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật bao nhiêu lần để áp dụng khoản 5 Điều 19 của Nghị định. Việc lập lờ này khiến người dân chỉ biết Hòa Phát bị xử phạt, còn chất lượng đất, nước bị ô nhiễm thế nào, ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao lại không được rõ.

Về việc kiểm tra sai phạm của Hòa Phát, ông An cho biết, đã có kế hoạch kiểm tra từ đầu năm. Nhưng ông An không trả lời rõ lần gần nhất kiểm tra là vào thời gian nào, và sắp tới sẽ kiểm tra vào thời điểm nào.

Chưa kể, thời điểm tháng 11/2018, Công an tỉnh đã xử phạt Hòa Phát, tuy nhiên Sở TNMT – đơn vị được giao quản lý về môi trường – lại không rổ ráo yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, cho đến khi sự cố chất thải gà "dìm chết cá" hồ Ngả Hai xảy ra.

Theo Đời sống
back to top