TPHCM: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm của ngành y tế

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 4/12/2020, Thanh tra TPHCM có Thông báo kết luận thanh tra số 145/TB-TTTP-P3 chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác chi trả chi phí khám chữa bệnh, công tác đấu thầu thực hiện mua sắm trực tiếp vật tư y tế tại các đơn vị: Bệnh viện Ung Bướu; Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Bệnh viện Nhi đồng 1; Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn; Công ty TNHH Trung tâm Y khoa Phước An cùng các cơ quan quản lý ngành y tế TPHCM...

Chi phí khám chữa bệnh vượt dự toán

Thanh tra TPHCM vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh ở một số cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Qua thanh tra, cơ quan chức năng kết luận, Bảo hiểm xã hội TPHCM thực hiện tổng thu BHYT từ năm 2014 - 2018 là hơn 44.191 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh nợ đọng tiền BHYT đến tháng 12/2019 với số tiền gần 219 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2019, chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần năm 2017 của 151 cơ sở khám chữa bệnh là hơn 258 tỷ đồng; chi phí khám chữa bệnh vượt dự toán, vượt trần năm 2018 là hơn 186 tỷ đồng, chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét và chấp nhận thanh toán.

Tiếp đến, trong quá trình quản lý, sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT, Sở Y tế TPHCM chưa chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan; thời gian triển khai thực hiện tham mưu, đề xuất chậm trễ, kéo dài từ 5 – 10 tháng theo chỉ đạo của UBND TPHCM về việc sử dụng kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015, 2016; thời gian thực hiện chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cùng với đó, Sở Y tế TPHCM tham mưu, đề xuất trích kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015 để bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo thành phố (do Sở Y tế quản lý) với số tiền 50 tỷ đồng để hỗ trợ, thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe, mua thẻ BHYT cho hộ nghèo nhóm 3a, hộ cận nghèo thành phố là chưa phù hợp với tình hình thực tế; các sở, ngành chưa nghiên cứu kỹ các nội dung về quản lý, sử dụng kinh phí dành cho khám, chữa bệnh BHYT chưa sử dụng hết, dẫn đến việc sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT các năm 2015, 2016, 2017 chưa hiệu quả...

Cơ quan thanh tra TPHCM kết luận, Bệnh viện Ung Bướu đã thực hiện 32 gói thầu mua sắm trực tiếp vật tư y tế mà không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi là sai quy định.

Cơ quan thanh tra TPHCM kết luận, Bệnh viện Ung Bướu đã thực hiện 32 gói thầu mua sắm trực tiếp vật tư y tế mà không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi là sai quy định.

Trong quá trình thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện, cơ quan thanh tra TPHCM cho biết, các đơn vị có nhiều sai sót trong việc thực hiện hồ sơ chẩn đoán dịch vụ kỹ thuật dẫn đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa đúng, với tổng số tiền gần 28,2 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Ung Bướu số tiền là gần 4,5 tỷ đồng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định số tiền gần 17,9 tỷ đồng, Bệnh viện Nhi đồng 1 số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, Công ty CP bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Trung tâm Y khoa Phước An số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Mặt khác, việc sử dụng thuốc trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán BHYT từ năm 2014 đến quý 2/2019 tại 5 đơn vị có sai sót về giá thuốc đề nghị thanh toán với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Riêng đối với Bệnh viện Ung Bướu đã không xây dựng danh mục vật tư y tế đối với 23 mặt hàng gửi Bảo hiểm xã hội thành phố để làm cơ sở thanh toán chi phí vật tư y tế từ nguồn quỹ BHYT cho các bệnh nhân khám chữa bệnh có tham gia BHYT, là thực hiện chưa đúng quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BYT và Thông tư số 04/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Vi phạm Luật Đấu thầu

Theo Thanh tra TPHCM, việc đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh tại một số bệnh viện và Sở Y tế TPHCM còn để xảy ra vi phạm, tồn tại. Điển hình như các bệnh viện: Ung Bướu, Nhân dân Gia Định và Nhi đồng 1 không thực hiện hủy thầu đối với các mặt hàng thuốc không lựa chọn được nhà thầu, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 35 Thông tư số 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Sở Y tế TPHCM chậm trễ trong việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2018 - 2019 tại Bệnh viện Ung Bướu.

Cũng theo thanh tra TPHCM, một số thuốc thanh toán BHYT, Bệnh viện Ung Bướu thực hiện mua sắm theo giá thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, giá thuốc mua sắm theo các đợt năm 2011, năm 2012, năm 2013 với số lượng 109 mặt hàng thuốc, tổng số tiền là hơn 28,6 tỷ đồng về hình thức mua sắm thuốc là chưa đúng quy định Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các sai sót nêu trên, trách nhiệm thuộc về Giám đốc bệnh viện Ung Bướu, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, Trưởng Khoa dược của bệnh viện.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, Bệnh viện Ung Bướu đã có sai sót về trình tự thủ tục, không ban hành Quyết định thành lập Bên mời thầu là chưa phù hợp quy định của Luật Đấu thầu. Song song đó, Bệnh viện cũng thực hiện 32 gói thầu mua sắm trực tiếp mà không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi; không phạt vi phạm hợp đồng đối với các công ty không cung cấp thuốc theo kết quả lựa chọn nhà thầu; không thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2016; không thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật năm 2016; không đăng tải thông tin mua sắm trực tiếp trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đối với việc lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020), bệnh viện chỉ lập dự kiến, chưa xây dựng thành kế hoạch.

Theo đó, bệnh viện lập dự toán gói thầu vật tư y tế, từ năm 2014 - 2017 trên cơ sở áp dụng báo giá của 3 đơn vị cung cấp vật tư, sau đó tính trung bình cộng của 3 báo giá này để xác định đơn giá cho từng mặt hàng. Về vấn đề này, kết luận thanh tra nêu rõ, bệnh viện cần lấy giá thấp nhất trong 3 thông báo giá để đảm bảo giá dự toán được lập là thấp nhất. Đặc biệt, bệnh viện thực hiện mua sắm trực tiếp 15 gói trang thiết bị y tế mà không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi là không phù hợp quy định của Luật Đấu thầu.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chưa lập thành kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020) mà mới chỉ lồng ghép trong kế hoạch hoạt động 5 năm. Qua kiểm tra chọn mẫu gói thầu “Mua sắm hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla” và gói thầu “Mua sắm thiết bị chẩn đoán hình ảnh năm 2017” có một số thiếu sót. Bệnh viện Nhi đồng 1 chưa chủ động trong công tác trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chờ văn bản hướng dẫn của Sở Y tế để nộp Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc chữa bệnh là chưa đúng quy định…

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top