TPHCM sẽ không đạt mục tiêu phát triển 2021?

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020, TPHCM đã đạt mức tăng trưởng dương, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Sang năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề, đe dọa các chỉ tiêu phát triển kinh tế của thành phố.

GRDP phấn đấu đạt từ 6% trở lên

Năm 2021, TPHCM chọn chủ đề "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư" với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) phấn đấu tăng từ 6% trở lên, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6.500USD/người, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đạt trên 42%. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,7%/GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm…

Tính chung từ đầu năm đến cuối tháng 6, tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) tăng 5,46%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước gần 199.000 tỷ đồng, đạt gần 56% dự toán và tăng gần 21% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa gần 139.000 tỷ đồng, tăng 19%. Thu từ dầu thô là hơn 6.800 tỷ đồng, tăng gần 7%. Hoạt động xuất nhập khẩu thu 60.200 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng đến gần 6%, trong đó, 3 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng lớn gồm: thương nghiệp; vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Bên cạnh đó, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm hơn 58% trong GRDP và hơn 91% trong khu vực dịch vụ. Mặc dù ngành công nghiệp đóng góp chỉ 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của kinh tế TPHCM, nhưng 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng hơn 4%, cho thấy ngành công nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục. Riêng ngành xây dựng tăng trưởng chỉ 0,98%, thấp hơn so với cùng kỳ hơn 1% bởi các dự án thi công bị gián đoạn, nguồn cung sản phẩm nhà ở hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng. Hoạt động thương mại, bán lẻ đạt tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt gần 542.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, dường như dịch Covid-19 bùng phát đã đe dọa khả năng hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của TPHCM. Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận: "Tháng 6 khó khăn hơn rất nhiều do chúng ta thực hiện các biện pháp giãn cách phòng chống dịch. So với 5 tháng cùng kỳ năm 2020, doanh thu, hàng hóa dịch vụ Thành phố tăng gần 9%. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 9,55%. So với cùng kỳ thì con số này giảm tới 8,4%”.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh là nguyên nhân khiến TPHCM khó thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh là nguyên nhân khiến TPHCM khó thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế.

Bất khả thi

Đánh giá về những kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM cho rằng, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại lần thứ 4, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm tăng 5,46%, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước gần 199.000 tỷ đồng, đạt gần 56% dự toán và tăng gần 21% so với cùng kỳ là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng, cũng phải nhìn nhận kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao là so sánh với cùng kỳ năm 2020, năm có mức tăng thấp nhất trong 35 năm qua.

Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho hay, trong 6 tháng còn lại, TPHCM sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh khó lường. Việc phải áp dụng nhiều đợt giãn cách xã hội liên tục để kiểm soát dịch bệnh đã tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dịch vụ, du lịch…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất vẫn nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng, linh hoạt và thích ứng nhanh trong việc khai thác các cơ hội thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do. "Mục tiêu những tháng còn lại của năm 2021 là sớm kiểm soát dịch bệnh và khôi phục lại hoạt động phát triển kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu kép đó, bên cạnh giải pháp dập dịch quyết liệt, hiệu quả, triển khai tiêm văcxin trên diện rộng, Chính phủ và thành phố cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực tế hơn, cắt bớt quy trình, thủ tục hành chính để việc hỗ trợ được kịp thời, có hiệu quả", ông Trương Tiến Dũng nói.

Còn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu GRDP đạt 6% mà TPHCM đã đề ra trong bối cảnh hiện nay là bất khả thi. "Dĩ nhiên, không có gì là không thể nếu thành phố kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân và "hơi thở" doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường thì có thể cũng đạt được. Nhưng, so sánh với tình hình thực tế thì việc thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra trong năm nay là rất khó, bởi hậu quả của dịch bệnh là vô cùng lớn", ông nói.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trong kịch bản tốt nhất cho thành phố thì GRDP đạt 5%, còn trong kịch bản xấu hơn, con số này sẽ rơi vào khoảng từ 3 - 4%. Tại thời điểm này, chưa thể đưa ra một con số về dự báo cho chính xác. Nhưng tác động của dịch bệnh không chỉ ở trong tháng này mà còn kéo dài đến cuối năm.

Còn theo kịch bản tăng trưởng kinh tế của TPHCM cho cả năm do Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM thực hiện, nếu tháng 8/2021 dịch Covid-19 được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2021 của TPHCM sẽ đạt 5,02%, dự báo cả năm 2021 sẽ đạt 4,9%. 6 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế tại TPHCM đều cho thấy sự ổn định, GDP của cả nước lên đến 5,64%. Trong những tháng cuối năm, các chỉ số kinh tế sẽ cho thấy rõ tác động từ dịch bệnh.

"Điều quan trọng để TPHCM kiểm soát được dịch bệnh và lập lại trật tự kinh tế là phải miễn dịch cộng đồng cụ thể là tiêm văcxin cho người dân ít nhất từ 70 - 80% bởi hiện nay, tỷ lệ được tiêm chủng tại thành phố đang rất thấp. Có như vậy thì nền kinh tế của thành phố mới phát triển và cuộc sống người dân trở về với trạng thái bình thường", TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Theo Đời sống
Ngân hàng Nhà nước sắp tổ chức đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước sắp tổ chức đấu thầu vàng miếng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng, NHNN dự kiến tổ chức đấu thầu vàng miếng ngay trong tuần này để tăng cung cho thị trường.
back to top