TPHCM: Nhiều thiếu sót trong thu hồi đất tại dự án Khu Công nghệ cao

(khoahocdoisong.vn) - Thanh tra Chính phủ đã kết luận, vào thời điểm UBND TPHCM mở rộng thu hồi thêm 6,9 ha và 102 ha là chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể tại khu công nghệ cao.

Thu hồi trước, báo cáo…. sau

Theo ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở TT&TT TPHCM, sau khi có báo cáo Kết luận số 659/2017 của Thanh tra Chính phủ và Thông báo số 370/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận, chỉ đạo liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại dự án Khu Công nghệ cao, TPHCM đã thực hiện nghiêm túc ý kiến kết luận của Chính phủ.

Đến nay, UBND TPHCM đã thực hiện xong 4/8 nội dung: Tổ chức công bố công khai quy hoạch Khu Công nghệ cao, rà soát kiểm tra việc hoán đổi 1.111,5 m2 đất công cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Tuấn, rà soát kêu gọi đầu tư, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan.

Còn lại 4/8 nội dung đang tiếp tục tập trung giải quyết gồm: Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất thuộc phần diện tích gần 41 ha; chính sách hỗ trợ đặc thù đối với 49 trường hợp có khiếu nại, tố cáo; thực hiện các kết luận liên quan 8 dự án tái định cư; sử dụng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vào các khoản chi phí của Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao và thu hồi số tiền tạm ứng để hoàn trả ngân sách.

Ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở TT-TT phát biểu tại buổi họp báo.

Ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở TT-TT phát biểu tại buổi họp báo.

Trả lời các vấn đề về tiến trình đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng không lập phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, không có bản đồ kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, diện tích thu hồi ngoài ranh phê duyệt, tính pháp lý của các quyết định thu hồi đất, việc sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư … ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, Thanh tra Chính phủ đã kết luận TPHCM có thiếu sót và sau đó đã sửa sai. Năm 2008, được sự ủy quyền của Thủ tướng, TPHCM đã phê duyệt bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghệ cao.

Theo ông Bảy, không thể so sánh dự án khu công nghệ cao với dự án Thủ Thiêm vì đây là hai dự án khác nhau, có thiếu sót, sai phạm cũng khác nhau. Đặc biệt ở dự án khu công nghệ cao không có việc thu hồi đất nằm ngoài ranh như dự án Thủ Thiêm.

Liên quan đến vấn đề thu hồi nhầm lẫn đất của người dân để xây dựng khu công nghệ cao, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, việc nhầm lẫn này xảy ra trong lần thu hồi đất thứ hai nhưng sau đó đã được sửa sai.

Cụ thể, ngày 4/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989 về chuẩn bị thành lập khu công nghệ cao với tổng diện tích 800 ha, đến ngày 25/4/2002, UBND TPHCM có Văn bản số 1335 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi 804 ha, tăng 4 ha so với Quyết định 989 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi xem xét, ngày 24/5/2002, Thủ tướng có Văn bản số 572 cho phép UBND TPHCM thu hồi 804 ha ở 5 phường: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B thuộc quận 9, TPHCM để sớm tổ chức giải tỏa, bồi thường thực hiện dự án.

Tuy nhiên, UBND TP sau đó lại mở rộng việc thu hồi và giao đất bằng Quyết định số 2717 năm 2003 với diện tích 6,9 ha và Quyết định số 2193 năm 2004 với diện tích 102 ha.

Đều đáng chú ý là hai quyết định thu hồi này chưa xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể Khu công nghệ cao. Trong quá trình thu hồi lại thu hồi nhầm đất của người dân tại phường Hiệp Phú thay vì phải thu hồi đất tại phường Phước Long B.

Khắc phục bằng 1.471 tỷ đồng

Chính việc tự mở rộng diện tích thu hồi này là nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, bức xúc gay gắt, kéo dài của các hộ dân bị thu hồi đất, trong đó có 49 hộ dân trong diện tích 41 ha gồm các khu vực: Tái định cư Man Thiện, di tích Bến Nọc, đường Bưng Ông Thoàn, đường Vành đai trong, xa lộ Hà Nội…

Để xử lý việc người dân khiếu nại, UBND TPHCM đã sửa sai bằng việc thực hiện bổ sung một số trình tự, thủ tục thu hồi đất và giao đất, báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án đầu tư mới, từ 804 ha thành 913 ha tại Văn bản 4525 ngày 29.7.2005. Kiến nghị này sau đó cũng đã được Thủ tướng chấp thuận bằng Quyết định 458 ngày 18/4/2007, điều chỉnh diện tích Khu công nghệ cao lên 913 ha.

Về chính sách đền bù thuộc phần diện tích 41 ha nằm trong ranh quy hoạch dự án khu công nghệ cao, UBND TP giao tổ công tác liên ngành quận 9 thuê công ty thẩm định giá đất độc lập để thẩm định đất thuộc 41 ha theo giá thị trường ở thời điểm tháng 4.2007. Kết quả định giá này sẽ gửi công khai để tính giá bồi thường, hỗ trợ người dân. UBND TP đưa ra phương án từ tháng 4/2007 đến 1/2016, người dân sẽ được tính thêm phần lãi suất ngân hàng từ số tiền chênh lệch.

Từ thời điểm tháng 1/2016 đến thời điểm ban hành chính sách bổ sung hỗ trợ mới, người dân còn được tính thêm khoản tiền nộp chậm (tiền phạt) do lỗi của chính quyền theo luật Quản lý thuế.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, tháng 8/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 370 thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan dự án Khu công nghệ cao.

Theo đó, diện tích đất gần 41 ha đã được thu hồi theo quy hoạch sẽ không xem xét giao lại cho các hộ dân mà giải quyết bằng cách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật. UBND TPHCM được yêu cầu thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân tính từ thời điểm Thủ tướng ban hành quyết định số 458 điều chỉnh bổ sung quy hoạch Khu công nghệ cao. Chính sách này chỉ giải quyết cho khoảng 652 hộ dân có đất trong 41 ha chứ không áp dụng cho toàn bộ hộ dân ở Khu công nghệ cao.

Trước đó, UBND TPHCM đã trình chính sách nói trên với tổng số tiền hỗ trợ là 1.471 tỷ đồng và được Hội đồng nhân dân TP thông qua. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP nêu rõ: UBND TP có nhiệm vụ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung của dự án theo đúng quy định pháp luật, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho Hội đồng nhân dân TP vào kỳ họp cuối năm 2019.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh thì kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thường trực Hội đồng nhân dân TP, các ban, tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân TP giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nghị quyết về nội dung này.

Theo Đời sống
Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những năm gần dây, nhà cấp 4 2 phòng ngủ thiết kế đơn giản, mang hơi hướng hiện đại làm toát lên vẻ đẹp tinh tế. Nhà cấp 4 với 2 phòng ngủ được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và chi phí xây dựng thấp. 
back to top