TPHCM: Đề xuất hỗ trợ gói vay tiêu dùng lãi suất 0% cho người nghèo

Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM đề nghị có gói vay hỗ trợ tiêu dùng lãi suất 0% cho các hộ dân để mua lương thực, thực phẩm, khám chữa bệnh...

Ngày 1/12, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình đã chủ trì buổi khảo sát về nhu cầu an sinh xã hội, nhà ở xã hội của người dân, người lao động, công nhân sau dịch Covid-19.

Trao đổi tại buổi khảo sát, phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM Bùi Văn Sổn cho biết, cuối tháng 8/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội TP có gửi công văn cho Sở Lao động - thương binh và xã hội TP đề nghị sở tham mưu trình UBND TP gói vay hỗ trợ tiêu dùng không lãi suất cho các hộ dân.

Cụ thể, dự kiến chương trình cho vay triển khai trong quý 4/2021 và quý 1/2022. Tuy nhiên đến nay chưa có ý kiến phản hồi. Do đó, năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội TP tiếp tục theo đuổi kiến nghị này.

Nếu được thông qua, đối tượng cho vay sẽ là người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ đáp ứng nhu cầu trong việc mua lương thực, thực phẩm, vật dụng sinh hoạt, khám chữa bệnh, mua phương tiện đi lại sau đại dịch Covid-19. Lãi suất áp dụng chương trình là 0%, người dân trả tiền hàng tháng.

nguoi-lao-dong-tu-do-duoc-ho-tro-nhu-yeu-pham.jpg
Người lao động tự do được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách xã hội.

Liên quan đến các gói vay, ông Sổn cho biết hiện Ngân hàng đang áp dụng chính sách giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ.

Theo đó, người vay tất cả chương trình tín dụng chính sách bao gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương được giảm lãi trong 3 tháng 10, 11 và 12/2021.

Riêng về chương trình cho vay mua nhà ở, theo phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP, hiện ngân hàng có cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội. Nguồn vốn vay do trung ương phân bổ với lãi suất ưu đãi.

Trong năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp với Sở Xây dựng TP để nắm danh sách người vay mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, xác định nhu cầu vay vốn. Ngân hàng cũng tiếp cận các khu chế xuất để giới thiệu cho công nhân về chương trình vay vốn. 

Đồng thời, làm việc với UBND quận, huyện để tiếp cận với chủ đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn nhằm tìm ra người mua cần vay vốn. Ngoài ra, ngân hàng còn có chương trình cho vay tối đa 100 triệu để các hộ dân diện nghèo và cận nghèo sửa chữa, cải tạo nhà ở. Mức độ phê duyệt nguồn vốn nhanh.

Tuy nhiên, ông Cao Thanh Bình cho rằng, nếu chỉ chăm chăm hỗ trợ tiền cho người dân nhưng tiền điện, tiền nước, học phí, các chi phí sinh hoạt khác... đều tăng thì hỗ trợ bao nhiêu cũng không đủ.

Tất cả chính sách phải triển khai đồng bộ mới đảm bảo đời sống an sinh cho người dân. Trong năm 2022, Ban văn hóa - xã hội sẽ khảo sát nhiều chuyên đề thực tế về an sinh xã hội cho người dân, người lao động, công nhân sau dịch Covid-19.

Theo Đời sống
back to top