TPHCM đang cố "dọn" điểm yếu đầu tư thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải ngân rất khó khăn, khó đạt yêu cầu đề ra do một số vướng mắc trong công tác thực hiện. Trong đó, có công tác giải phóng mặt bằng.

Cơ chế và giá cả chưa bám sát thực tế

Theo số liệu từ Cục Thống kê TPHCM, tổng vốn đầu tư trên địa bàn TPHCM năm 2020 ước thực hiện 441.024 tỷ đồng,  giảm 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 77.617 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, tăng 30,7%; khu vực ngoài nhà nước đạt 301.048 tỷ đồng, chiếm 68,3%, bằng 95%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 62.359 tỷ đồng, chiếm 14,1%, bằng 88,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm trên chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp thận trọng không triển khai thực hiện xây dựng, đầu tư ở nhiều dự án. Đối với vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 ước tính đạt 39.913 tỷ đồng, tăng 50,8% so với năm 2019.

“Ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 90% so với kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay, kết quả này phản ánh việc thành phố đã quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công” - Cục Thống kê TPHCM nhận định.

Tuy nhiên, theo Cục Thống kê TPHCM, những khó khăn cố hữu trong thực hiện vốn ngân sách vẫn đang tiếp tục duy trì. Như giải phóng mặt bằng tại nhiều quận, huyện gặp khó khăn do cơ chế và giá cả chưa bám sát thực tế, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Công tác phê duyệt, điều chỉnh dự án còn tốn nhiều thời gian. Máy móc thiết bị thi công nhiều chủ đầu tư còn lạc hậu, đây cũng là điểm yếu làm giảm khối lượng thực hiện.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, kết quả giải ngân 12 tháng của niên độ ngân sách năm 2020 cao gấp 1,7 lần về giá trị tuyệt đối và cao hơn cả về tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ giải ngân đạt 18.540 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 67,6%). Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo thành phố và bối cảnh hiện nay thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình triển khai và giải ngân vốn ODA chưa đảm bảo theo tiến độ, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung.

Trong Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, UBND TPHCM xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021 của chính quyền các cấp trên địa bàn. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Dự án cầu Nam Lý, quận 9, TPHCM cũng đang phải "đắp chiếu" vì còn vướng mặt bằng.

Dự án cầu Nam Lý, quận 9, TPHCM cũng đang phải "đắp chiếu" vì còn vướng mặt bằng.

Thanh toán chỉ trong 4 ngày có được không?

Để thực hiện được những yêu cầu trên, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tham mưu phương án điều chỉnh, điều chuyển vốn giữa các dự án phù hợp với tiến độ thực tế, nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, tham mưu về việc ban hành quy định nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công; quy trình về lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công.

Sở Tài Nguyên & Môi trường phối hợp cùng Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất TPHCM khẩn trương tham mưu, trình UBND TPHCM phê duyệt đơn giá bồi thường đối với những dự án đã có quyết định đầu tư để làm cơ sở giải ngân.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải chỉ đạo và giám sát thường xuyên đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án và chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM nếu để chậm tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức thực hiện nhận bàn giao từ các Ban Quản lý khu vực Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức trước đây. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ tài liệu, hồ sơ, pháp nhân đối với dự án. Đảm bảo việc thi công công trình xuyên suốt, liên tục, không gián đoạn.

Riêng đối với chủ đầu tư các dự án, UBND TPHCM yêu cầu tổ chức lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết tiến độ thực hiện của từng phần việc trong từng dự án được giao kế hoạch năm 2021. UBND TPHCM cam kết thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày, kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định. Không để dồn thanh toán vào cuối năm (trừ các dự án thực hiện theo quy trình thanh toán theo quy định của nhà tài trợ).

Không được yêu cầu nhà thầu ứng trước vốn thực hiện khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được quyết định đầu tư hoặc chưa được bố trí kế hoạch vốn. Không tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu chưa được bố trí kế hoạch vốn, gây nợ đọng xây dựng cơ bản; phải có giải pháp tự cân đối nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng.

Phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng…  gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo tham mưu đề xuất cho UBND TPHCM xem xét, giải quyết trước ngày 31/5/2021.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về dự án trước UBND TPHCM nếu để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với dự án do cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Đối với các dự án đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa hoàn thành, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo đúng quy định...

Theo Đời sống
back to top