Tôn vinh đội ngũ trí thức là giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ

Thông qua Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi VUSTA đã tạo ra một phong trào sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường Đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân và các cháu thiếu niên và nhi đồng trong cả nước.

Báo Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu tham luận “Tôn vinh đội ngũ trí thức là giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ góp phần xây dựng dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc” của TS. LS. Lê Xuân Thảo Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA, Phó Chủ tịch Thường trực Qũy VIFOTEC tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 15/9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào và lan rộng mãi”. Khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với bất cứ quốc gia nào và bất cứ thời điểm lịch sử nào cũng rất cần thiết. Vì thế, Đảng ta từ Nghị quyết TƯ 2, khóa 8 đã khẳng định quan điểm: phát triển đất nước phải bằng và dựa vào KH&CN; KH&CN cùng với GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Cái cốt lõi làm nên KH&CN của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia chính là đội ngũ trí thức KH&CN của tổ chức đó, quốc gia đó.

Ton vinh doi ngu tri thuc la giai phap thuc day phat trien khoa hoc va cong nghe
TS. LS. Lê Xuân Thảo. 

Đội ngũ trí thức KH&CN nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc được Đảng, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, trong đó có đóng góp quan trọng của trí thức KHCN thuộc VUSTA - một tổ chức chính trị - xã hội với vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN rộng lớn nhất Việt Nam.

Được thành lập ngày 05/6/1983, đến nay, VUSTA có 153 Hội thành viên với mạng lưới tới 63 Liên hiệp Hội địa phương và 90 tổng hội, ngành; 596 tổ chức KH&CN trực thuộc, tập hợp được 3,7 triệu Hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức chiếm 32,5% trí thức cả nước.

Nhiều đồng chí Chủ tịch qua các thời kỳ là những nhà khoa học nổi tiếng, rất tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước như cố GS.VS Trần Đại Nghĩa, GS. Hà Học Trạc, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, GS. TSKH Đặng Vũ Minh và nay là TSKH Phan Xuân Dũng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, ngày 17/11/1992,

VUSTA đã ra quyết định số 1215/TC-LHH thành lập Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trên cơ sở Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT ngày 28/8/1992 của 6 Bộ/ ngành: Ủy ban khoa học Nhà Nước (nay là Bộ KH&CN), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng liên Đoàn lao Động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, VUSTA. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự, nguyên phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Trần Đức Lương làm Chủ tịch quỹ VIFOTEC đầu tiên, hiện nay TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA làm Chủ tịch Quỹ. Quỹ VIFOTEC luôn được các Đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và VUSTA rất quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ.

Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của VUSTA, Quỹ VIFOTEC và các Liên hiệp hội địa phương, các Bộ, ngành đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam, 17 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc, 17 lần Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Từ khi Thủ Tướng Chính phủ ban hành Quyết định 165/2006/QĐ- TTg ngày 14/7/2006 đồng ý để tổ chức toàn quốc về Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam và Cuộc thi toàn quốc.

Với thông tư số 52/2007/TT-BTC ngày 21/5/2007, số 27/2018/BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài Chính về việc quy định chế độ tài chính cho hoạt động tổ chức Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi đã cơ bản giải quyết được vấn đề về ngân sách cho các địa phương và TW trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và tôn vinh trí thức.

Thông qua Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi VUSTA đã tạo ra một phong trào sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường Đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân và các cháu thiếu niên và nhi đồng trong cả nước. Các nhà khoa học, các nhà sáng tạo đã ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được Giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều bộ, ngành như Bộ quốc phòng, Bộ công thương, Bộ giáo dục và đào tạo và 63 tỉnh, thành đã thành lập cơ quan tổ chức Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi tại địa phương. Ban tổ chức đã nhận được hàng chục nghìn công trình KHCN và sáng tạo kỹ thuật và trao thưởng cho hàng trăm đề tài xuất sắc có tính ứng dụng cao.

Cứ mỗi lần trao giải chính là mỗi lần tôn vinh cá nhân và tổ chức tạo ra các sản phẩm của giải. Được tôn vinh thì các tổ chức và cá nhân lại càng phấn khởi vì được động viên, tạo nên sự hứng khởi để phấn đấu cho giai đoạn tiếp theo.

Về hợp tác quốc tế trong việc đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo KHCN, hàng năm, VUSTA đã tổ chức các đoàn các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trẻ tham gia các hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng tạo ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan...Qua gặp gỡ làm việc, các đoàn đánh giá cao hoạt động của VUSTA và cho rằng đây là một mô hình mới hoạt động có hiệu quả ở Việt Nam. Lãnh đạo VUSTA đã tham gia nhiều hội thảo của các nước để thảo luận các biện pháp hợp tác có hiệu quả giữa các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm thúc đẩy các hoạt động KH&CN.

Với sự hợp tác chặt chẽ của Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN, từ năm 2001 Tổ Chức Sở hữu trí tuệ Thế Giới (WIPO) của Liên Hiệp Quốc đã quan tâm và đánh giá cao hoạt động của VUSTA, hàng năm WIPO trao Huy chương vàng và Giấy chứng nhận cho các tài năng của Việt Nam thông qua các Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi.

Theo kienthuc.net.vn
back to top