Tổn thương tuyến cận giáp

(khoahocdoisong.vn) - Tuyến cận giáp nằm ở cổ, gần bên tuyến giáp. Đây là nơi kiểm soát sự cân bằng canxi trong cơ thể. Khi lượng canxi hạ xuống quá thấp, những tuyến này tạo ra một loại hormon tuyến cận giáp (PTH) để lượng canxi trở về mức bình thường.

Tuyến cận giáp có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng hạt đậu xanh nhưng có vai trò sống còn. Tuyến cận giáp nằm cạnh tuyến giáp, có chung mạch máu nuôi với tuyến giáp, mạch máu rất nhỏ nhưng chức năng khác hoàn toàn tuyến giáp. Nếu phẫu thuật tuyến giáp không tỉ mỉ rất dễ xảy ra tai biến tổn thương vĩnh viễn tuyến cận giáp.

Tác dụng của hormon tuyến cận giáp

Đây là một hormon sinh mạng của cơ thể, nó đóng vai trò trong điều hòa nồng độ ion Ca++ và ion phosphate (PO4- - -) trong huyết tương. Dưới tác dụng của hormon, nồng độ ion canxi huyết tương tăng lên nhưng ngược lại nồng độ ion phosphate lại giảm đi. Hormon tuyến cận giáp thực hiện chức năng này bằng những tác dụng trên xương, thận và ruột.

Ở mô xương, PTH gắn với receptor trên màng tế bào xương và tế bào tạo xương. Quá trình gắn này sẽ làm hoạt hóa bơm canxi,  làm tế bào xương và tế bào tạo xương sẽ bơm ion canxi từ dịch xương vào dịch ngoại bào. Khi bơm này được hoạt hóa mạnh sẽ làm giảm nồng độ ion canxi trong dịch xương, khi bơm không hoạt động thì làm cho muối canxi phosphate lại tiếp tục lắng đọng vào khuôn xương. Trong xương, các tế bào xương và tế bào tạo xương liên hệ với nhau làm thành một hệ thống tế bào tiếp nối nhau trải khắp xương và bề mặt của xương, chỉ trừ vùng tiếp giáp với các tế bào hủy xương.

Nồng độ PTH bình thường trong máu vào khoảng dưới 50 pg/ml. Hormon được bài tiết nhiều hay ít tùy thuộc vào nồng độ ion canxi và phosphate trong máu, đặc biệt là ion canxi. Chỉ cần giảm nhẹ nồng độ ion canxi thi tuyến sẽ tăng tiết hormon ngay, và tình trạng giảm canxi kéo dài có thể làm tuyến nở to ra. Khi nồng độ ion canxi trong máu tăng thì hoạt động và kích thước của tuyến sẽ giảm.

Suy tuyến cận giáp sau mổ có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn

Suy tuyến cận giáp sau mổ là tình trạng tuyến cận giáp không bài tiết đủ lượng PTH do giảm hoạt động chức năng của tuyến, điều này dẫn đến những rối loạn trong cơ thể do tình trạng giảm nồng độ ion canxi gây ra.

- Biểu hiện: Ngưỡng kích thích của sợi thần kinh giảm xuống (xảy ra cả với sợi thần kinh cảm giác và vận động) do đó làm tăng đáp ứng thần kinh cơ.

- Thể nhẹ: Phát hiện nhờ làm nghiệm pháp Chvostek và Trousseau, phát hiện dấu hiệu co cơ.

- Thể nặng: Xuất hiện các cơn co rút, gây co các cơ trong cơ thể nhưng quan trọng nhất là khi co thắt các cơ ở thanh quản gây ngừng thở, nếu không cấp cứu kịp sẽ làm bệnh nhân chết.

- Xét nghiệm: Làm xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ phát hiện tình trạng giảm nồng độ PTH, ion canxi; nồng độ phosphate huyết tương tăng lên, giảm ở trong nước tiểu.

Tiêm hormon tuyến cận giáp khi nào?

- Chỉ tiêm hormon tuyến cận giáp khi đã sử dụng canxi đường uống, vitamin D đường uống mà không hết tê và co quắp tay hoặc đã sử dụng canxi đường tiêm mà không đỡ, đặc biệt là sau mổ 3 tháng mà tình trạng tê tay, co quắp tay chân không đỡ thì sẽ sử dụng hormon tuyến cận giáp ( lúc này gọi là tổn thương tuyến cận giáp không hồi phục, tổn thương vĩnh viễn). Tổn thương tuyến cận giáp dẫn đến tê tay chân, có quắp tay chân, dẫn đến mất sức lao động, người bệnh lo lắng, tự ti, buồn chán.

- Hormon tuyến cận giáp sử dụng tiêm dưới da, dễ dàng sử dụng ( như tiêm insulin ở người đái tháo đường), tiêm hằng ngày, mỗi người sẽ có liều lượng khác nhau.

Nếu tổn thương tuyến cận giáp vĩnh viễn thì phải tiêm hormon tuyến cận giáp suốt đời. Nếu sử dụng hormon tuyến cận giáp đúng cách thì sẽ giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường và hạn chế tác dụng phụ của hormon cận giáp. Việc tiêm canxi chỉ giải quyết được nồng độ canxi trong máu để hết triệu chứng tê tay chân và co quắp tay chân, không giải quyết và thay thế được vai trò của hormon tuyến cận giáp. Tiêm canxi nếu không cẩn thận, chệch ven sẽ hoại tử chỗ tiêm. Cần nhớ, uống và tiêm canxi nhiều rất dễ gây sỏi thận, người bệnh khi phải tiêm canxi nên uống nhiều nước.

Ths.BS Mai Văn Sâm (BV ĐH Y Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top