Tốc độ phát triển vượt bậc ở trẻ vị thành niên

(khoahocdoisong.vn) - Chu kỳ vòng đời là từ khi còn là bào thai, lúc sinh ra và phát triển cho đến khi về già. Hai giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển cả thể chất, trí tuệ, tương lai của mỗi con người là giai đoạn 1.000 ngày vàng và giai đoạn tuổi vị thành niên (10-18 tuổi).

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy những trẻ bị suy dinh dưỡng khi nhỏ, đặc biệt trong 2 năm đầu sau khi sinh sẽ có nguy cơ cao trở thành những trẻ tuổi vị thành niên bị thấp còi và không có khả năng đuổi kịp phát triển so với các bạn cùng trang lứa mà không bị suy dinh dưỡng (SDD) khi nhỏ. Những nữ vị thành niên thấp còi sẽ nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả là sinh ra những trẻ bị SDD bào thai (có cân nặng sơ sinh thấp). Những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500 g) lại có nguy cơ SDD. Vì vậy, dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh cần được thực hiện ở mọi lứa tuổi.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong giai đọan trẻ vị thành niên hết sức quan trọng, vì lứa tuổi này có tốc độ phát triển rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục...Cân nặng trung bình trẻ vị thành niên tăng từ 3-5 kg/năm, chiều cao tăng từ 4-7 cm/năm, trẻ trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên đòi hỏi nhu cầu cũng rất cao cho sự phát triển cũng như hoạt động, do vậy trẻ thường ăn không biết no. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển lứa tuổi này, trước hết là vấn đề năng lượng từ 2000-2300kcalo/ngày/nữ và 2100-2800Kcalo/ngày/nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau. Để đáp ứng đủ nhu cầu, trẻ cần ít nhất ăn 3 bữa/ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng. Trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang học tập thi cử, nếu phải thức khuya học nhiều cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ như: Sữa, hoa quả. Một số trẻ nữ thường ăn ít để giữ thân hình, vóc dáng điều đó làm hạn chế sự phát triển.

Để đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể thì nhu cầu về chất đạm cho lứa tuổi này hết sức quan trọng. Hàng ngày nhu cầu chất đạm khoảng 70g/nam và 60g/nữ. Tỷ lệ chất đạm động vật ≥35% tổng số chất đạm. Năng lượng từ chất đạm cung cấp chiếm 17% tổng năng lượng của khẩu phần. Nhu cầu chất đạm lứa tuổi vị thành niên cần thiết cho tốc độ phát triển, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố (hormon) và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể. Nguồn đạm động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua,... nguồn đạm thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc,..

Nhu cầu chất béo hàng ngày từ 60-70g, chất béo từ nguồn gốc động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối là 70% và 30%. Năng lượng do lipid cung cấp trong khẩu phần khoảng 25%. Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hoà tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, E, D, K.  Ngoài các loại vitamin nhu cầu các khoáng chất cũng  cần được quan tâm.

BS. Nguyễn Tiến Tuấn (Viện Dinh dưỡng QG)

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top