Toàn cảnh giá xe ô tô Việt Nam: Giảm triền miên vẫn "ế khách"

Nửa đầu năm 2021, các hãng, đại lý liên tục đẩy mạnh giảm giá xe triền miên, trên diện rộng. Tuy nhiên, doanh số toàn thị trường vẫn giảm sút đáng kể.

Bão giảm giá xe, thị trường vẫn ế ẩm

Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ từ Chính phủ hết hiệu lực đã đẩy ngành ô tô Việt Nam vào tình thế khó khăn. Để “tự cứu mình”, nửa đầu năm 2021 các hãng xe đã phải lao vào một cuộc chạy đua giảm giá, tăng ưu đãi xuyên suốt những tháng qua nhằm kích cầu tiêu dùng.

Hàng chục mẫu xe từ phổ thông đến hạng sang đều đua tranh giảm giá vô cùng sôi động. Có mẫu mất giá gần 600 triệu đồng.

Đơn cử như mẫu xe BMW 740Li 2019 hiện nay được nhà phân phối Thaco thông báo giảm sâu nhất thị trường lên đến 580 triệu đồng, kéo giá xe từ 5,369 tỷ xuống chỉ còn 4,789 tỷ đồng. Trên thực tế, mức giảm này đã được hãng xe áp dụng từ cuối tháng 6 đến nay.  

Toàn cảnh giá xe ô tô Việt Nam: Giảm triền miên vẫn 'ế khách'

BMW 740Li 2019 hiện nay được nhà phân phối Thaco thông báo giảm sâu nhất thị trường lên đến 580 triệu đồng. 

Ngoài ra, từ đầu tháng 3, nhiều đại lý BMW trên toàn quốc cũng gây chú ý khi đồng loạt giảm giá 130 - 250 triệu đồng cho các mẫu xe X2, 218i Gran Tourer.

Cùng chung số phận với các mẫu xe sang BMW, Kia Qurios thời điểm này đang giảm sốc hơn 500 triệu đồng gây chú ý. Các mẫu xe khác thuộc thương hiệu KIA như Cerato, Sorento, Sedona… đã và đang nhận ưu đãi cao nhất hơn 100 triệu đồng.

Tương tự, Mazda thời gian qua cũng giảm giá đồng loạt các sản phẩm hot của mình từ 30 - 120 triệu đồng.

Về phần hãng xe Honda gây chú ý khi liên tục tung ra các chương trình ưu đãi sâu cho Honda CR-V. Thời điểm từ giữa tháng 7, mẫu xe này được các đại lý chào bán với mức giảm sâu chưa từng thấy đến hơn 200 triệu đồng bảo gồm ưu đãi phí trước bạ và tiền mặt, phụ kiện. Các mẫu xe khác của nhà Honda như HR-V, Civic… cũng giảm cao không kém từ 100 - 160 triệu đồng.

Toàn cảnh giá xe ô tô Việt Nam: Giảm triền miên vẫn 'ế khách'

Mức giảm dao động từ 100 - 200 triệu đồng đang được nhiều đại lý áp dụng cho các mẫu xe của mình. 

Ngoài Thaco, Honda, Hyundai vốn thờ ơ với những biện pháp kích cầu cũng phải lao vào cuộc chơi giảm giá xe. Trong đó có Hyundai SantaFe được giảm 100 triệu đồng. Hãng xe Ford, Toyota duy trì mức giảm giá cho các mẫu xe dao động 30 - 100 triệu đồng.

Theo nhận định của giới kinh doanh ô tô, cuộc chiến giảm giá diễn ra trong nửa đầu năm 2021 có quy mô và cường độ không thua kém gì đợt giảm giá hồi năm 2017, giai đoạn thị trường gần như rơi vào trạng thái “đóng băng” do tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu thuế 0% từ các nước khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, dù giá bán giảm sâu như vậy nhưng doanh số bán xe lại không được như kỳ vọng. Theo báo cáo bán hàng mới nhất từ VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), tiêu thụ ô tô trong tháng 7 của toàn thị trường đạt 16.035 xe, giảm 32% so với tháng 6 (bán 23.587 xe).

Cụ thể, trong số 16.035 xe bán được, bao gồm 10.411 xe du lịch (giảm 34%); 5.163 xe thương mại (giảm 27%) và 461 xe chuyên dụng (giảm 30%). Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 9.024 xe, giảm 32% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.011 xe, giảm 31% so với tháng trước.

Khó khăn tiếp tục "bủa vây" thị trường xe trong nước

Khác với cùng kỳ năm ngoái, thị trường ô tô Việt Nam trải qua giai đoạn nửa đầu năm 2021 trầm lắng, các hãng xe liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn trong kinh doanh, hoạt động sản xuất cầm chừng, doanh số sụt giảm. Giới kinh doanh đánh giá, nửa cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn "bủa vây" thị trường xe trong nước khi đà hồi phục đã bị cắt đứt do sự bùng phát phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố như hiện nay.

Toàn cảnh giá xe ô tô Việt Nam: Giảm triền miên vẫn 'ế khách'

Nhiều showroom xe phải đóng cửa khiến sức mua sụt giảm, lượng ô tô tồn kho có xu hướng gia tăng...

Việc giãn cách xã hội tại các địa phương buộc nhiều showroom xe phải đóng cửa khiến sức mua sụt giảm, lượng ô tô tồn kho có xu hướng gia tăng... Điều này cũng đồng nghĩa với việc các vấn đề về tài chính, nhân sự… của các đại lý xe ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó, việc hàng loạt nhà máy ô tô trong khu vực ASEAN đóng cửa vì thiếu chip bán dẫn khiến vấn đề nhập khẩu xe có thể gặp khó.

Chuỗi cung ứng ngừng hoạt động khiến cho hoạt động lắp ráp tại Thái Lan, Indonesia bị ảnh hưởng. Trong khi  đó, 50% lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam là từ Thái Lan, Indonesia đứng thứ 2.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan về lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam tháng 7 tăng 11%, tuy nhiên giá trị kim ngạch giảm 0,9%. Việc tăng về số lượng nhưng giảm về giá trị cho thấy những xe nhập khẩu về là các xe giá trị thấp. Giá trị trung bình đơn chiếc của xe nhập khẩu chỉ đạt 19.500 USD/chiếc, xấp xỉ khoảng 450 triệu đồng.

Một số chuyên gia đánh giá đây có thể là do các hãng xe muốn tranh thủ nhập xe trước khi dịch bệnh khiến năng suất lắp ráp ở các nước ASEAN bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc tập trung vào phân khúc bình dân được cho là phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó, thu nhập của đại đa số người dân bị giảm sút nghiêm trọng. 

Theo vietnamnet.vn
Vì sao Kia và Hyundai triệu hồi gần 170 nghìn ôtô điện?

Vì sao Kia và Hyundai triệu hồi gần 170 nghìn ôtô điện?

Nguyên nhân đợt triệu hồi xe điện Kia và Hyundai này là vấn đề liên quan đến bộ điều khiển sạc tích hợp (ICCU), có thể khiến các mẫu xe như Hyundai Ioniq 5, Ioniq 6, Genesis GV60, GV70, G80 EVs và Kia EV6 mất điện khi đang di chuyển.
back to top