Tô Trung Từ chết vì ham sắc

Tô Trung Từ chết vì ham sắc, nhưng công lao to lớn của ông đã tạo cho nhà Trần một thế lực kinh tế, chính trị, quân sự rất quan trọng buổi ban đầu.

Dẹp nạn Quách Bốc (hình minh họa).

Dẹp nạn Quách Bốc

Sử sách không chép rõ về xuất thân của ông, chỉ biết ông là em vợ của Trần Lý, hào trưởng vùng Hải Ấp, tỉnh Thái Bình và là người cùng họ với quan phụ chính Tô Hiến Thành. Khoảng thời gian trước khi xảy ra loạn Quách Bốc, ông làm chức quan nhỏ trong triều.

Thời đó vua Lý Cao Tông chơi bời, chính sự rối ren. Năm 1209, Cao Tông nghe lời gian thần Phạm Du, giết trung thần Phạm Bỉnh Di, đưa đến việc bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc khởi binh báo thù cho chủ, đánh vào kinh thành, lập con thứ của Cao Tông là Lý Thầm làm vua. Cao Tông phải chạy lên Quy Hoá, Thái tử Sảm cùng mẹ và hai em gái chạy về Hải Ấp, nơi Trần Lý cai quản.

Trần Lý và Tô Trung Từ bèn đón Thái tử Sảm lập làm vua, tôn xưng là Thắng vương, giáng Lý Thầm làm vương. Thái tử Sảm về ở thôn Lưu Gia quê Tô Trung Từ. Thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung, cháu gọi Tô Trung Từ bằng cậu,  có nhan sắc, bèn lấy làm vợ. Trần Lý được phong làm Minh Tự, Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.

Biết tin Thái tử Sảm lập triều đình riêng và tự ý phong tước cho Trần Lý, Tô Trung Từ… Lý Cao Tông ở Quy Hoá sai Phạm Du đi liên lạc với Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi ở vùng Hồng. Nhưng Du ham sắc, mải tư thông với công chúa Thiên Cực, lỡ hẹn với họ Đoàn; khi tới Ma Lãng bị quân của hào trưởng Bắc Giang là Nguyễn Nậu, Nguyễn Nải đón bắt và giết chết.

Phạm Du bị giết, Trần Lý và Tô Trung Từ  mang quân đánh về kinh thành, dẹp được nạn Quách Bốc cuối năm 1209, nhưng Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ liền đón vua Cao Tông về cung. Do Phạm Du đã chết mà thế lực Trung Từ mạnh, vua Cao Tông buộc phải dựa vào Trung Từ, lúc đó quyền khuynh thiên hạ.

Mâu thuẫn với Trần Tự Khánh

Tô Trung Từ phò vua Cao Tông ở kinh thành, trong khi Thái tử Sảm vẫn ở Hải Ấp cùng các con Trần Lý là Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Trung Từ muốn một mình cầm quyền nên quyết định giành lấy Thái tử Sảm từ tay hai người cháu họ Trần.

Đầu năm 1210, nhân vua Cao Tông bệnh nặng, muốn đón Thái tử Sảm về kinh, Tô Trung Từ giả mang quân bản bộ đi đánh quân phiến loạn ở Khoái Châu, nhân đó về Hải Ấp nắm lấy Thái tử Sảm. Không lâu sau, vua Cao Tông sai Đỗ Quảng tới đón Thái tử Sảm.

Cuối năm 1210, Lý Cao Tông chết, uỷ thác cho đế sư Đỗ Kính Tu chăm lo thái tử. Thái tử Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông, liền sai đón Trần Thị Dung, nhưng Trần Tự Khánh không cho. Do lúc trước Trung Từ giành lấy Huệ Tông từ tay anh em họ Trần nên nảy sinh mâu thuẫn với Tự Khánh.

Huệ Tông dùng quan Thái phó Đỗ Kính Tu làm Thái uý theo lời vua cha. Tuy nhiên, không phải Đỗ Kính Tu mà Tô Trung Từ mới thực sự trở thành người nắm quyền trong triều.

Thấy quyền hành của Trung Từ quá lớn, Đỗ Kính Tu cố tìm cách chống lại; tháng 12/1210, quan Chi hậu Phụng ngự là Đỗ Quảng bắt Đỗ Kính Tu giao cho Tô Trung Từ. Ông sai dìm xuống nước cho chết ở bến Đại Thông.

(còn nữa)

Nguyễn Bảo Nam

Theo Đời sống
Sự thật ít người biết về rắn cườm

Sự thật ít người biết về rắn cườm

Mặc dù không độc, nhưng rắn cườm thường bị nhầm lẫn với rắn lục cườm, một loài rắn thực sự độc hại. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp "chết oan" khi con người lầm tưởng rằng rắn cườm cũng độc.
Top 8 hiện tượng thiên nhiên kỳ thú không ngờ

Top 8 hiện tượng thiên nhiên kỳ thú không ngờ

Thiên nhiên luôn đem đến cho chúng ta những hiện tượng thật kỳ lạ. Những hiện tượng này không chỉ làm cho thế giới trở nên đa dạng hơn mà còn đặt ra nhiều câu hỏi cho con người muốn tìm hiểu sâu hơn về vũ trụ và thiên nhiên.
back to top