Tiêu chí nào giúp người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm từ dược liệu sạch

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành tiêu chuẩn GACP nhằm giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm dược liệu sạch chuẩn phục vụ cho điều trị bệnh và bảo vệ sức khỏe.

Khoa học đã chứng minh công dụng của các loại thảo dược đối với sức khỏe con người là vô cùng to lớn. Chính vì vậy, xu hướng sử dụng các sản phẩm từ dược liệu được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng bởi tính hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, thị trường dược liệu nước ta chưa được kiểm soát nghiêm ngặt, tình trạng dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả điều trị.

Một vùng trồng Cà gai leo sạch đạt chuẩn GACP-WHO tại xã Mỹ Thành, Mỹ Đức, Hà Nội.

GACP – WHO là gì?

Về mặt thuật ngữ, GACP là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Good Agricultural and Collection Practices, có nghĩa là thực hành trồng trọt và thu hái tốt. GACP – WHO là các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). GACP-WHO có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc đảm bảo chất lượng.

Để bảo đảm các điều kiện thực hiện tốt tiêu chuẩn GACP-WHO, cơ sở vật chất phải phù hợp điều kiện tự nhiên và đối tượng trồng trọt, thu hái như: nhà làm việc, nơi phơi sấy, kho chứa, công cụ sản xuất, mặt bằng làm nơi sơ chế, phòng thực nghiệm với các thiết bị đo đạc và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nhân lực tham gia cũng phải được đào tạo để có sự hiểu biết và kỹ năng thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của GACP.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn GACP –WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới) nhằm nâng cao chất lượng dược liệu. Từ đó, giúp người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm sạch để điều trị bệnh.

Thực tế áp dụng chuẩn hóa dược liệu sạch tại Việt Nam

Chính những yêu cầu khắt khe trong việc chuẩn hóa vùng trồng, khiến cho tại Việt Nam hiện nay có rất ít doanh nghiệp có vùng trồng đạt chuẩn GACP. Gần đây nhất, Bộ Y tế đã thừa nhận vùng trồng cà gai leo tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội của Công ty TNHH Tuệ Linh đạt tiêu chuẩn GACP –WHO. Đây là vùng trồng cà gai leo lớn nhất Việt Nam hiện nay đạt được tiêu chuẩn này. Được sự hỗ trợ của dự án BioTrade do Liên minh châu Âu tài trợ, Tuệ Linh đã phát triển một vùng trồng bài bản, đảm bảo các nguyên tắc an toàn, bền vững ngay từ đầu vào đến sản phẩm ra thị trường.

Cà gai leo được lên luống, phủ màng để cây được phát triển tốt nhất, chăm sóc đảm bảo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

KS nông nghiệp. Phạm Văn Chiến (Cán bộ phụ trách kỹ thuật vùng trồng) cho biết: vùng trồng có tổng diện tích 14,58 hecta, cây giống được đảm bảo thuần chủng, không bị lai tạp và nhân giống trong nhà màng. Sau đó, cây được đưa ra vùng trồng với quy trình bài bản: phủ màng bảo vệ cây để không bị cỏ xâm lấn, luống cao, đất tơi xốp nhằm bảo vệ bộ rễ không ngập úng và phát triển hoạt chất cao, sử dụng phân hữu cơ là đậu tương thay vì phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật…

Thời điểm thu hoạch cũng được tính toán kỹ, đó là lúc quả xanh chớm chín sẽ cho hàm lượng hoạt chất cao. Cây thu hái xong được chuyển lên bờ, có máy băm chuyên dụng, sau đó được chuyển về kho, qua các khâu sàng lọc loại bỏ tạp chất, rửa, phơi nắng tự nhiên, đảm bảo đủ độ khô tiêu chuẩn, độ ẩm dưới 20%.

Để đáp ứng tiêu chuẩn GACP-WHO, bên cạnh việc đảm bảo sản phẩm an toàn, không có dư lượng thành phần không mong muốn, quy trình trồng và thu hái dược liệu phải có hồ sơ lưu trữ, đảm bảo truy nguyên được nguồn gốc, loại giống, chất lượng giống, cũng như các yếu tố môi trường, các biện pháp bảo vệ thực vật, phòng chống và can thiệp khi có sâu bệnh,… Ngoài ra, yếu tố nhân lực cũng cần được đảm bảo đúng các yêu cầu tiêu chuẩn.

“Tại vùng trồng cà gai leo Mỹ Đức, nông dân chúng tôi khi tham gia dự án, đều được khám sức khỏe và tập huấn, hướng dẫn chi tiết các công việc. Từ những việc hàng ngày như làm cỏ, bắt sâu, cho đến thu hái cây khi vào vụ, tất cả đều làm bằng tay”, chị Nguyễn Thị Huân, đội 1 thôn Vĩnh Xương, xã Mỹ Thành, Mỹ Đức, Hà Nội, cho biết.

Nhờ tuân thủ các nguyên tắc trồng trọt theo tiêu chuẩn, những cây cà gai leo ở đây không chỉ sạch mà còn cho hàm lượng hoạt chất glycoalkaloid cao gấp 7-8 lần quy chuẩn dược điển, đem đến nguồn dược liệu chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Logo BioTrade được in trên bao bì sản phẩm giúp người dùng dễ dàng nhận biết được sản phẩm có nguồn gốc dược liệu sạch

Các sản phẩm từ dược liệu Cà gai leo ở đây như Giải độc gan Tuệ Linh, Cà gai leo Tuệ Linh đều được gắn logo BioTrade – một chỉ dấu giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm từ dược liệu an toàn, chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Logo BioTrade được gắn trên sản phẩm thể hiện những giá trị mà BioTrade hướng tới, đó là bảo tồn nguồn gen cây thuốc và phát triển vùng trồng sạch bền vững, an toàn, tự nhiên, hoạt tính cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng.

Trang Anh

Theo Đời sống
back to top