Tiếp tục kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, tiêu dùng

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020, hoạt động của ngành ngân hàng ít nhiều chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19, dẫn tới cầu tín dụng thấp và nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Đến nay, dư nợ bị ảnh hưởng do dịch tăng đến 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng. Có khoảng 45.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, lũ lụt miền Trung Tây nguyên, tiềm ẩn rủi ro, gây nguy cơ gia tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng cùng với hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, mặc dù nửa đầu năm 2020, tín dụng tăng chậm, song đã phục hồi từ quý 2/2020 và cầu tín dụng bắt đầu tăng. Cụ thể, ở thời điểm cuối quý 1/2020, TTTD chỉ là 1,31%. Đến cuối quý 2/2020, tín dụng đã tăng lên 3,65%. Cuối quý 3/2020, TTTD đã đạt 6,08%. Ước tính năm 2020, tín dụng có thể tăng tới 11%.

Cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP. Cụ thể, so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng với ngành nông lâm thủy sản tăng 8,63%. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%. Ngành thương mại dịch vụ tăng 11,5%. Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên so với cuối năm 2019. Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%.

Dư nợ các chương trình chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 225.316 tỷ đồng, tăng 8,98% so với 2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN, theo đó tốc độ TTTD đối với lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, phục vụ đời sống có xu hướng giảm dần. Tín dụng đối với các dự án BOT cũng giảm khoảng 0,59%, còn chứng khoán chỉ tăng nhẹ 0,2%.

NHNN định hướng nhiệm vụ trong năm 2021 tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các dự án trọng điểm có hiệu quả, có sức lan tỏa. Định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn tín dụng ngân hàng. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục phối hợp các bộ ngành địa phương triển khai chương trình tín dụng như cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Đời sống
back to top