Tiếp nối trang sử vàng

(khoahocdoisong.vn) - Mỗi thời kỳ phát triển lại đặt ra nhiệm vụ mới cho cán bộ, phóng viên báo Khoa học và Đời sống phải năng động và sáng tạo không ngừng, sao cho có nội dung phong phú, thiết thực hơn, xứng đáng kế thừa và phát huy truyền thống 60 năm của báo.

Một tờ báo cần có

Tháng 9/2019, Báo Khoa học và Đời sống kỷ niệm 60 năm ra số đầu tiên. Thời điểm thành lập, báo được mang tên là Báo Khoa học Thường thức. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, để phù hợp với tình hình mới và phục vụ bạn đọc được tốt hơn, báo đã chính thức đổi tên thành Khoa học và Đời sống. 

Báo được thành lập nhằm hiện thực hóa yêu cầu “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật một cách có trọng điểm, có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng”, thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III.

Thực hiện Nghị quyết trên, Hội phổ biến khoa học - kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp hội Khoa học – Kỹ thuật ngày nay), đã vận động thành lập báo để phổ biến kiến thức, khoa học – kỹ thuật cho mọi tầng lớp nhân dân.

Báo là cơ quan phản ảnh hoạt động chủ yếu của hội, nên thời kỳ đầu thành lập, hội luôn bố trí chủ tịch hội làm chủ nhiệm báo, để dễ dàng tập hợp các nhà khoa học có uy tín tham gia cho nhiệm vụ hoạt động của báo. Danh sách các nhà khoa học có “cơ duyên” với báo Khoa học và Đời sóng có thể nhắc đến những tên tuổi lừng lẫy như Nguyễn Xiển, Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của, Lê Văn Thiêm…

Thời điểm đó, với tầm quan trọng của mình, Khoa học và Đời sống là một trong 4 tờ báo (cùng báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và Đại Đoàn kết) được Bộ Văn hóa cấp cho chỉ tiêu giấy in để phát hành đến từng cơ sở sản xuất, xã, phường. Điều đó cho thấy định hướng chiến lược về phát triển khoa học, công nghệ của Đảng và Nhà nước đã được định hình, hiện thực hóa từ rất sớm, duy trì bền bỉ cho tới tận ngày nay.

60 năm hình thành và phát triển, báo Khoa học đời sống luôn làm tốt vai trò phổ biến kiến thức theo đúng yêu cầu tại của Đảng, từng bước xây dựng những chuyên trang tìm hiểu khoa học, hỏi đáp khoa học, hướng dẫn bạn đọc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, vận động xây dựng nếp sống văn minh, khoa học, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, được nhiều độc giả không chỉ đọc mà còn lưu giữ để tra cứu khi cần.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét “Tờ báo của các đồng chí mang một cái tên biết bao rộng lớn và cao đẹp mà chúng ta thật khó hình dung hết nội dung phong phú, ý nghĩa sâu xa cù ng tính chất thiết thực của nó và đây là điều mà chúng ta rất cần, nhất là lúc này, và sau này cũng vậy!”

Đến nay,  Báo Khoa học đời sống đang là một trong những tờ báo lớn về thông tin khoa học công nghệ của Việt Nam, với đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia khoa học hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng với đó, chất lượng tin, bài của Khoa học và Đời sống không ngừng được nâng cao. Với vài ba chục chuyên trang, chuyên mục giải đáp khoa học liên quan đến sức khoẻ, gia đình, các tiến bộ khoa học,... Khoa học và Đời sống hướng tới đông đảo đối tượng bạn đọc: nông dân, công nhân, nhà khoa học, học sinh - sinh viên,... Tính thiết thực, bổ ích của thông tin mà Khoa học và Đời sống mang lại cho bạn đọc được đánh giá cao. 

Với những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp nâng cao dân trí, báo Khoa học và Đời sống đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất và 1 Huân chương Độc lập hạng Ba. 

Cuộc cạnh tranh 

Bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của khoa học công nghệ, với sự phát triển vượt bậc của Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), báo chí nói chung và báo Khoa học và Đời sống nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội.

Những thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ phát thanh, truyền hình và đặc biệt là internet đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu, điều này khiến nhu cầu đọc báo – nhất là báo giấy đang suy giảm nhanh chóng. 

Luận điểm này không phải là không có căn cứ khi trên thế giới, nhiều tờ báo giấy giàu truyền thống và danh tiếng đã phải ngừng xuất bản. Như tờ Newsweek - tuần báo lớn thứ hai của Mỹ - đã ngừng xuất bản từ ngày 24/12/2012, sau gần 80 năm hoạt động. Thực tế, số lượng phát hành của báo in trên phạm vi toàn cầu đang tiếp tục giảm mạnh, từ năm 2007 đến năm 2017 giảm tới 24%. Nguồn thu từ phát hành, quảng cáo - những nguồn kinh phí huyết mạch cho sự tồn tại của một tờ báo lại càng giảm, tới 60%.

Trước những khó khăn trên, các tờ báo lớn cả trên thế giới lẫn Việt Nam đều đã dần chuyển sang số hóa (going digital), giảm số lượng xuất bản báo in để chuyển sang báo điện tử. Báo Khoa học Đời sống cũng không nằm ngoài xu thế ấy.

Tuy nhiên, với việc đi sau và chỉ là trang tin, khả năng cập nhật dòng thông tin thời sự ngày càng lớn đã tạo áp lực lớn lên đội ngũ làm báo của Khoa học và Đời sống. Báo chí điện tử nước nhà hiện đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều tờ báo được đầu tư bài bản về con người, thiết bị, phục vụ cho truyền tải thông tin nhanh nhất, và sự cạnh tranh với nhau thu hút độc giả.

Trước những vận động nhanh chóng của thời đại và kỷ nguyên số hóa, hoạt động của báo Khoa học Đời sống không tránh khỏi những khó khăn lớn. Tuy nhiên, với lịch sử 60 năm hoạt động, lợi thế của Báo Khoa học Đời sống là đã hình thành “gu” thông tin của mình, chú trọng vào các bài báo nặng tính kỹ thuật, ứng dụng vào nhiều ngành như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, khoa học…

“Gu” thông tin này của báo phù hợp với nhiều tầng lớp, nhưng vẫn còn thiếu sót, do tập trung chủ yếu ở những vùng mà Internet chưa thể phủ sóng tới. 

Bên cạnh đó, với lợi thế để phân tích chuyên sâu với những bài bình luận, lí giải, bóc tách bản chất thông tin, đa chiều của vấn đề, từ đó, giúp bạn đọc nhận biết giá trị, bản chất căn cốt, tính khách quan, toàn cảnh của thông tin để có thể nhận thức đúng về sự việc đã xảy ra, giúp người đọc nhớ lâu, nhớ sâu, và mùi mực in trên trang báo mới luôn mang có sức hấp dẫn cảm thụ riêng tư, sâu lắng, mà các loại báo như phát thanh, truyền hình, kể cả báo điện tử cũng đã phai nhạt.

Nhờ “gu” riêng của mình, Khoa học đời sống có tập độc giả đông đảo, đều là những người có kiến thức, có hiểu biết và ảnh hưởng trong xã hội.

Trong tương lai, khi Báo được phép xuất bản báo điện tử, Khoa học đời sống tự tin sẽ nhanh chóng phổ biến và tăng diện phủ người đọc nhờ tập độc giả có ảnh hưởng trung thành với báo.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top