Tiếng Hàn là môn học “bắt buộc” nhưng không bắt buộc

(khoahocdoisong.vn) - Thông tin tiếng Hàn là môn học bắt buộc đã gây xôn xao dư luận về việc học sinh buộc phải học thêm một ngoại ngữ nữa. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, “bắt buộc” trong văn bản này không phải là “bắt buộc”, mà có lựa chọn.

Văn bản của Bộ: Tiếng Hàn – ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc

Ngày 09/02/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT.

Phần Đặc điểm môn học nêu rõ Tiếng Hàn là môn học "bắt buộc".
Phần Đặc điểm môn học nêu rõ Tiếng Hàn là môn học "bắt buộc".

Phần Đặc điểm môn học nêu rõ Tiếng Hàn là môn học "bắt buộc".

Trong phần "đặc điểm môn học" viết: "Môn tiếng Hàn - ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12 ”.

Ngay lập tức, nội dung này gây xôn xao dư luận, chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn.

Rất nhiều phụ huynh cho rằng, tại sao lại buộc học sinh phải học tiếng Hàn, để làm sao cho con học giỏi tiếng Anh đã đủ mệt rồi, giờ lại thêm môn tiếng Hàn bắt buộc nữa thì phải làm sao?

“Giờ cứ tập trung học tiếng Anh – là thứ ngôn ngữ toàn cầu cho tốt đã. Còn sau này khi cần các cháu sẽ tự học. Chứ không phải buộc tất cả học sinh phải học”, một phụ huynh chia sẻ.

“Ngoại ngữ đúng là cần, học càng nhiều càng tốt. Nhưng phải tùy điều kiện, hoàn cảnh. Nhất là học sinh ở quê, học tiếng Anh thôi đã phải cố gắng lắm rồi, lại thêm tiếng Hàn nữa thì đúng là làm khó cho các cháu quá”, một phụ huynh bức xúc.

Bộ GD&ĐT giải thích: Bắt buộc nhưng có lựa chọn

Trước những thông tin gây xôn xao dư luận, Bộ GD&ĐT đã có thông tin tới báo chí, giải thích về điều này. Theo đó, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn). 

Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.

Từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GDĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.

Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.

Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.

Về từ “bắt buộc” gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Quyết định 712/QĐ-BGDĐT là quyết định về việc thí điểm tiếng Hàn trở thành một trong những Ngoại ngữ 1. Còn chương trình Tiếng Hàn – Ngoại ngữ 2 thì đã được Bộ GD&ĐT ban hành trước đây.

Từ “bắt buộc” xuất hiện trong quyết định này không có nghĩa Tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc, mà từ này dùng để bổ ngữ giải nghĩa cho cụm “Ngoại ngữ 1”. Bởi theo quy định, "ngoại ngữ 1" là bắt buộc.

Theo đó, nếu trường phổ thông nào có đủ điều kiện dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 và học sinh tự nguyện lựa chọn tiếng Hàn thay cho tiếng Anh để học, thì có quyền lựa chọn, chứ không phải nhất thiết là buộc phải học tiếng Hàn.

Như vậy, theo cách giải thích của ông Thành có thể thấy, dư luận đã hiểu lầm từ “bắt buộc” trong văn bản của Bộ GD&ĐT. Theo đó, “bắt buộc” ở đây là Ngoại ngữ 1. Còn tiếng Hàn nằm trong Ngoại ngữ 1, có thể hiểu là được lựa chọn trong bắt buộc. Có nghĩa là, buộc phải học các ngoại ngữ trong danh sách Ngoại ngữ 1, nhưng học môn nào thì do học sinh lựa chọn.

Một số ý kiến cho rằng, cách dùng từ trong văn bản của Bộ GD&ĐT không chính xác, nên mới gây hiểu lầm. "Bắt buộc" ở đây không thể bổ nghĩa cho "Ngoại ngữ 1", mà phải cho cả cụm "Tiếng Hàn - Ngoại ngữ 1". Theo đó, nểu đúng theo văn bản của Bộ GD&ĐT, thì tiếng Hàn là môn học "bắt buộc", không có lựa chọn.

Nội dung cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cụ thể, học sinh kết thúc lớp 6 đạt Bậc 1, kết thúc cấp THCS (lớp 9) đạt Bậc 2 và kết thúc cấp THPT (lớp 12) đạt Bậc 3.

Tổng thời lượng chương trình là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top