Tiền nhiều, có cho ra chất lượng tương xứng?

Nói về đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục được phê duyệt 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ, GS.TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT tỏ ra rất lo lắng. Ông không hiểu người ta sẽ làm thế nào với số tiền ấy, làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy. Và quan trọng nhất, liệu có làm ra những tiến sỹ có trình độ thực sự?

Sai lầm, cổ hủ

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025 tầm nhìn 2030. Mục tiêu là đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) với kinh phí khoảng 12.000 tỉ đồng. Ông nghĩ sao về con số này?

Trước tiên tôi nói ngay là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của ta hiện nay không cần phải đào tạo nhiều tiến sỹ đến như vậy.

Đối với đào tạo bậc đại học thì có hai hệ thống trường là trường chỉ chuyên về nghiên cứu và trường đào tạo ứng dụng nghề nghiệp. Chỉ trường nào chuyên về nghiên cứu hàn lâm học thuật thì mới cần cán bộ có trình độ tiến sỹ. Có những trường yêu cầu đầu vào đã phải là trình độ tiến sỹ.

Còn các trường khác?

Còn các trường nghề nghiệp ứng dụng thì đâu cần những người có kiến thức hàn lâm như tiến sỹ. Cái họ cần là những người có kinh nghiệm thực tế, chuyên gia lành nghề, những người có thâm niên công tác nhiều năm, đã kinh qua sản xuất, có kinh nghiệm thực tế chứ không phải là người có bằng tiến sỹ.

Trong số các trường đại học hiện nay thì loại trường nào chiếm số đông?

Bản thân các trường đại học khi được phân loại như thế thì rất ít trường nhận mình thuộc loại 1 là theo hướng nghiên cứu. Đa phần là các trường đào tạo ra nguồn nhân lực để tham gia quá trình sản xuất trực tiếp. Trong bối cảnh ấy thì rõ ràng chúng ta đâu cần nhiều tiến sỹ.

Cụ thể là những ngành nào theo ông không cần đến cán bộ có trình độ tiến sỹ?

Đơn giản như các trường nghệ thuật chuyên về múa, hát, nghệ thuật ứng dụng biểu diễn, thiết kế thời trang, làm đẹp… Họ đâu cần có tiến sỹ. Trên thế giới họ cũng không đào tạo tiến sỹ những chuyên ngành này mà chỉ cần cán bộ có trình độ cử nhân, hiếm hoi lắm là thạc sỹ.

Trong đổi mới giáo dục, chúng ta hướng đến phát triển các trường đại học theo xu hướng nào thưa ông?

Nghị quyết số 14 về đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam có đề ra là sẽ hướng đến 70% là giáo dục hướng nghiệp, ứng dụng, 30% là giáo dục nghiên cứu, hàn lâm.

Chúng ta đã hoạch định như thế thì đào tạo nhiều tiến sỹ để làm gì. Tôi cho rằng cứ chạy theo đào tạo tiến sỹ là chủ trương sai lầm, cổ hủ đã nhiều năm. Nhiều người góp ý kiến mà ngành giáo dục không tiếp thu.

Đầu tư lớn, chất lượng có cao?

Ông đánh giá thế nào về vai trò của giảng viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học?

Chất lượng của một trường đại học được quyết định bởi rất nhiều yếu tố khác nhau như cơ sở vật chất, đầu vào của sinh viên, hệ thống giáo trình, hỗ trợ giảng dạy…

Giảng viên chỉ là một yếu tố. Tuy vậy trình độ của giảng viên cũng rất quan trọng. Nhưng như tôi đã nói, nơi nào, ngành nào mới thực sự cần người có trình độ tiến sỹ? Không phải chỗ nào cũng cần.

Hẳn là ông đã đọc về đề án đào tạo 9000 tiến sỹ này?

Tôi có đọc, có tìm hiểu. Đề án có nói rằng kinh phí là để đào tạo tiến sỹ, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên…

Tôi thấy đề án đó chưa thực sự toàn diện. 9000 tiến sỹ không phải là quá nhiều nhưng quan trọng nhất là chất lượng ra sao, cơ cấu các ngành như thế nào. Tôi thấy là có vấn đề.

Vì sao thế?

Bởi đề án 911 của Bộ GD&ĐT đặt ra chỉ tiêu từ năm 2010 đến năm 2020 sẽ đào tạo được 20.000 tiến sỹ với tổng số tiền là 14.200 tỉ đồng. Nhưng thực tế là đến nay, năm 2017 rồi mà mới sử dụng hết 4000 tỉ đồng. Vẫn còn 10.200 tỉ đồng chưa thể giải ngân. Con số đào tạo ra cũng không đạt.

Chỉ tiêu không đạt được nên Bộ GD&ĐT mới ngừng triển khai đề án 911 và chuyển sang đề án mới này. Tôi cho rằng Bộ phải rút ra bài học từ đề án cũ để thay đổi, không nên làm một cách máy móc, ước chừng.

Ý ông là không nên nối tiếp sai lầm?

Hiệu quả của đề án 911 là rất thấp ma không rút ra kinh nghiệm, không tìm ra nguyên nhân cụ thể của thất bại, không đề xuất những giải pháp tháo gỡ thì tôi cũng như những người khác sẽ không tin vào hiệu quả của đề án mới.

Chất lượng tiến sỹ đang rất thấp

Ông vừa nói số tiền đầu tư bao nhiêu, đào tạo bao nhiêu người không đáng quan tâm bằng việc đạo tạo ra những tiến sỹ có trình độ như thế nào, vì sao ông lại băn khoăn điều ấy?

Phải nói rằng chất lượng đào tạo tiến sỹ trong nước hiện rất thấp. Lỗi là do sự buông lỏng quản lý của Bộ GD&ĐT. Bộ giao cho các trường đào tạo tiến sỹ một cách khá dễ dàng.

Thế là có những người vừa mới bảo vệ tiến sỹ được vài năm, khi tôi hỏi chuyện thì bảo đã đang hướng dẫn đến mười mấy thạc sỹ, 6 tiến sỹ. Tôi nghe mà thấy sợ quá!

Rồi như báo chí phản ánh, có “lò” đào tạo tiến sỹ ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, một người hướng dẫn đến 12 luận án tiến sỹ. Tôi cũng là người trực tiếp hướng dẫn tiến sỹ nhưng chưa bao giờ dám nhận quá 1 luận văn/năm.

Vì sao thế?

Vì để hướng dẫn được, mình phải nắm được vấn đề, đọc, nghiên cứu tài liệu qua đủ kênh khác nhau. Thời gian để nghiên cứu không phải là ít. Thế mà hướng dẫn một lúc hơn chục luận án thì tôi không hiểu người ta nghiên cứu kiểu gì. Hay là để phó mặc cho nghiên cứu sinh.

Làm tốt thì khen và nhận công về mình, làm không tốt có cơ mắng. Hệ quả là có những luận án giống nhau đến 70-80% nhưng thầy hướng dẫn cũng chẳng phát hiện ra. Đúng là bó tay!

Chúng ta chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo tiến sỹ hay sao thưa ông?

Chất lượng đào tạo đã kém, khâu kiểm định lại gần như không. Các trường thì đương nhiên không ai tự nhận mình đào tạo kém cả. Thế nên muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ thì phải củng cố lại hệ thống đào tạo. Chứ như hiện nay thì cả số lượng và chất lượng đều không đảm bảo.

Còn những người được đào tạo ở nước ngoài thì sao?

Đây cũng là vấn đề lớn, các cơ sở đào tạo ngoài nước cũng khá nhiều, nhưng đa phần không phù hợp với hệ thống giáo dục trong nước. Một số người được đào tạo tiến sỹ bài bản thì không trở về nước.

Ông đánh giá thế nào về số tiền gần 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9000 tiến sỹ?

Số tiền ấy không phải là quá lớn để đào tạo ra 9000 tiến sỹ. Vấn để là hiệu quả đào tạo ra sao. Số tiền ấy sẽ là cực kỳ lớn nếu nó không đem lại những tiến sỹ có trình độ tương xứng, đáp ứng được nhu cầu của công việc.

Xin cảm ơn ông!

Lý giải về nguyên nhân cần đầu tư 9.000 tiến sĩ, theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực. Các trường đại học lớn với tiềm lực mạnh mẽ về nhiều mặt, có tỉ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ cao hơn hẳn các trường đại học của Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt với các trường đại học của Việt Nam về việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bộ GD&ĐT nhận định Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN. Trong thời gian 10 năm (từ 1996-2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top