Tiền nhân xử tội tham nhũng – Kỳ 3: Minh Mạng xử nặng tội tham nhũng

Minh Mạng xử nặng tội tham nhũng trong b

Vua Minh Mạng.

Giết một người để muôn người sợ

Điều 31 quy định, quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Điều 111 quy định, quan lại dùng uy thế vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ. Bộ luật này là kim chỉ nam để các vua thực thi suốt thời Nguyễn.

Minh Mạng sau 20 năm trị vì, đã tiến hành cải cách hành chính, củng cố quyền lực; tạo lập nền cai trị kết hợp lễ trị và pháp trị.

Đối với những vụ án tham nhũng, đòi ăn hối lộ và biển thủ công quỹ, Minh Mạng trị tội rất nặng, có khi vượt qua cả pháp luật; Minh Mạng thường áp dụng nguyên tắc: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người để muôn người sợ mà tránh).

Năm 1818, Phan Tấn Quý, viên quan cấp tỉnh bị án giảo hậu (treo cổ) về tội tham nhũng. Triều đình tâu vua xin giảm án. Vua phán, “Tấn Quý làm chức Ti mục mà lấy của dân, tội không tha được, phải treo cổ và thông báo cho các trấn biết”.

Năm 1820, quan Chánh án Nam Định là Phạm Thanh can tội tham nhũng, Minh Mạng cho giải ra giữa chợ, xử chém ngang lưng, tịch biên gia sản trả lại cho dân.

Năm 1822, tại Quảng Đức và Quảng Trị gạo đắt, triều đình cho phát để bán cho dân, người quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc, mỗi hộc thiếu vài cáp, vụ việc bị phát giác, Minh Mạng cho bộ Hình tra xét; án xong tâu lên, Minh Mạng sai chém Khuê. Năm 1823, một viên quan làm việc tại

Phủ Nội vụ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác, bộ Hình đưa ra xét xử. Điều 229 của bộ luật quy định: kho của vua gọi là Nội phủ, nó ở trong cấm địa của hoàng thành, nếu lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu.

Tuy nhiên, với Lý Hữu Diệm, bộ Hình giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, Minh Mạng không chấp nhận và dứt khoát hạ lệnh cho bộ Hình đưa can phạm ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người trông thấy.

Vụ án Trịnh Đường

Năm 1826, Trần Công Trung làm việc ở kho Phủ Nội vụ “gây khó dễ” để vòi tiền, chuyện bị phát giác rồi giao cho bộ Hình tra xét.

Án xong tâu lên, Minh Mạng tuyên dụ: “Vụ án Đặng Văn Khuê năm 1822 đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì, tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng nếu nhu nhơ để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được. Bèn sai chém Trung ở chợ Đông”.

Về vụ án Trịnh Đường năm 1834, Đại Nam thực lục chép: trước kia khi quân Xiêm tiến sát Hà Tiên, Tuần phủ Hà Tiên Trịnh Đường lấy trộm 1.000 quan tiền công của kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy.

Sau khi tỉnh Hà Tiên thu phục, Trịnh Đường lại tâu tiền ở kho bị giặc lấy mất. Đến khi Tham tán Hồ Văn Khuê phát giác, chỉ đích danh tham tặc và tâu lên, Minh Mạng biết chuyện, rất tức giận bèn tuyên dụ: “… Để Hà Tiên thất thủ, tội đã tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan vội bỏ thành trì đất đai mà chạy! Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham đó, thực đáng ghét. Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao Viện tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên ”. Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).

Xét trên bình diện pháp luật, sự quan tâm của Lê Thánh Tông, nhất là Minh Mạng với nạn tham nhũng tỏ ra toàn diện và sâu sắc. Với ý nghĩa ấy, việc chống tham nhũng của tiền nhân cũng đáng để hậu thế suy ngẫm.

Nguyễn Bảo Nam

Theo Đời sống
back to top