Tiền đang thừa, ngân hàng “gồng” thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch?

(khoahocdoisong.vn) - Thị trường tiếp tục đón nhận những cam kết hạ thêm lãi suất từ phía các “anh lớn” trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng chỉ là doanh nghiệp và cũng gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch bệnh.

Giảm sâu để hưởng ứng

Tại Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 ban hành ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế các tổ chức tín dụng đã xây dựng gói hỗ trợ tín dụng lên tới 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1% so với lãi suất hiện hữu để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Và như đã nói ở nhiều bài trước, đây không phải là gói hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, mà hình thành từ chính nguồn vốn mà các ngân hàng huy động từ nhiều nguồn. Do đó, để có những gói tín dụng lãi suất thấp cũng đồng nghĩa việc ngân hàng phải cắt giảm chi tiêu hoặc chấp nhận lợi nhuận giảm.

Mới đây, sau các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Chỉ thị 02 về các giải pháp cấp bách của ngành. Đáng chú ý, ngoài những yêu cầu tăng cường giải pháp phòng, chống dịch, nhà điều hành cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai tích cực và sớm công bố các chương trình giảm lãi suất, sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp.

Hưởng ứng, các “anh lớn” như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ngân hàng hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5 - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng. Thời gian tới, Vietcombank sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2 - 2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5 - 5% một năm.

Bên cạnh đó, Vietcombank sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1 - 1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.

Còn ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết: Từ 31/3, ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2% đối với các doanh nghiệp, người dân và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Từ thời điểm công bố dịch (23/2) đến hết tháng 3, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1,5% một năm cho gần 3.000 khách hàng với tổng dư nợ 60.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng thương mại tư nhân khác như VIB, VPBank, HDBank, TPBank cũng hưởng ứng hạ lãi suất từ ngày 1/4.

Cần lưu ý là, Chỉ thị vốn không được coi là văn bản quy phạm pháp luật, tức không có tính bắt buộc nhưng nhiều ngân hàng đã hưởng ứng lời kêu gọi.

Khó nên phải gồng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt vỏn vẹn 0,68% so với cuối năm 2019, tương đương giải ngân thêm khoản 55.700 tỷ đồng ra nền kinh tế.

Trong khi cùng thời gian, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 1,55%, tức tăng 163.900 tỷ đồng. Như vậy, khoảng chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 108.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, lượng VND thông qua hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2019 vẫn chưa thể trung hòa hết, nên cho dù khối lượng tín phiếu bị hút về lên tới 147.000 tỷ đồng, thì lượng tiền dôi ra trong hệ thống còn rất lớn.

Theo giới chuyên môn, tiền thừa vì không cho vay được, Ngân hàng Nhà nước không hút về lại còn yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt để tối đa nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, nên hành động giảm lãi suất để hưởng ứng của các ngân hàng có nhiều hàm ý.

Cần lưu ý là, lãi suất thị trường 1 dù bị hạ, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất khoảng 2,5% trên liên ngân hàng (thị trường 2). Mặt khác, các ngân hàng hy vọng việc giảm sâu lãi suất sẽ kích thích các doanh nghiệp tăng vay vốn. Đồng thời đáp ứng áp lực từ lời kêu gọi của nhà điều hành. Như vậy, việc ngân hàng "gồng mình" giảm chi tiêu, giảm lợi nhuận theo lời kêu gọi, ít nhiều vẫn đem lại tín hiệu tích cực. Nhưng điều này mới chỉ đúng ở các ngân hàng có quy mô lớn.

Bởi lẽ, trong tuần qua, đã có một vài tổ chức tín dụng phải chấp nhận mức lãi suất 3,5% để sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước ở kênh cầm cố (OMO). Tính đến phiên ngày 31/3, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 2.859 tỷ đồng.

Thứ nữa, năm 2019, nợ xấu ở các ngân hàng nhỏ đang có dấu hiệu tăng. Khi các khoản tín dụng mới phải gánh các loại chi phí đối với nợ xấu cũ, việc giảm lãi suất càng khó hơn, ngân hàng lớn phải cố gắng một, thì ngân hàng nhỏ sẽ phải "gồng" mười. Vì vậy, vẫn chưa thấy các ngân hàng nhỏ mạnh mẽ hưởng ứng theo Chỉ thị 02.

Được biết, ngay sau cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với đại diện 20 ngân hàng thương mại lớn được triệu tập nhằm triển khai nhanh tinh thần của Chỉ thị 02, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước chia sẻ với báo giới rằng: “Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ cũng có rất nhiều cái khó và mong muốn kiến nghị. Nhưng trước mắt, tất cả đều xác định trách nhiệm hết mình với mục tiêu chung của ngành, của Chính phủ và đất nước”.

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top