Tiêm văcxin Covid-19 như thế nào cho an toàn?

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đã thực hiện ngày tiêm văcxin Covid-19 thứ 2 cho những đối tượng ưu tiên. Sắp tới đảm bảo 20% dân số sẽ được tiêm phòng.

Cần theo dõi 48 giờ sau tiêm

Sau ngày đầu tiên tiêm tại 4 địa điểm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương diễn ra an toàn với tổng cộng 377 người tiêm, 100% số người tiên chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm. Ngày 9/3,tiêm chủng văcxin phòng Covid-19 tiếp tục được mở rộng tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) và ở Gia Lai.

Bảo đảm khoảng cách an toàn tiêm văcxin Covid-19 tại Hải Dương.

Bảo đảm khoảng cách an toàn tiêm văcxin Covid-19 tại Hải Dương.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19 cho biết, đợt tiêm chủng này rất đặc biệt, là sự kiện mở màn cho chiến dịch tiêm chủng văcxin phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Vì vậy, chúng ta vừa tiêm vừa theo dõi chặt chẽ.

Đợt tiêm đầu tiên có 2 mũi tiêm cơ bản. Mũi đầu cách mũi thứ 2 là 21 ngày. Sau khi tiêm mũi 1 đạt hiệu quả miễn dịch 61 - 67%, sau mũi 2 là 81% trở lên. Thời gian bảo vệ khoảng 7 tháng. Tuy nhiên, còn tùy thuộc từng người và phải đo lượng kháng thể để đánh giá xem còn hiệu quả bảo vệ không.

Khám sàng lọc trước khi tiêm.

Khám sàng lọc trước khi tiêm.

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam  hoan nghênh kế hoạch cung ứng văcxin ở Việt Nam, ưu tiên cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch và những khu vực có nguy cơ cao. Ông cho biết, văcxin AstraZeneca phòng Covid-19 sử dụng tiêm hôm nay tại Việt Nam đã được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc. Văcxin  này đã qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, đảm bảo an toàn để triển khai tiêm trong chiến dịch này.

Dù văcxin AstraZeneca đã được thử nghiệm và an toàn, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một loại văcxin được tiêm chỉ sau 1 năm nghiên cứu. Vì vậy, cần phải có sự theo dõi phản ứng sau tiêm văcxin trong 48 giờ, đảm bảo theo dõi để đánh giá văcxin có an toàn hay không.

Theo bà Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam: UNICEF đã và đang cố gắng đàm phán với các nhà sản xuất để có văcxin cung cấp cho các nước nghèo theo cơ chế COVAX. Thông qua chương trình COVAX Facility, tới đây có thể đảm bảo 20% dân số được tiêm văcxin AstraZeneca. Trong tháng 3 sẽ có 1,2 triệu liều văcxin phòng Covid-19 theo cơ chế này về Việt Nam. Tháng 4 nước ta sẽ được phân phối thêm 2,8 triệu liều nữa.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư được tiêm văcxin Covid-19.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư được tiêm văcxin Covid-19.

Chú ý tiền sử bệnh nền, dị ứng và sốc phản vệ

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, cũng như sử dụng thuốc hay các loại văcxin khác, văcxin Covid-19 có thể có những phản ứng không mong muốn, bao gồm phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân như sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn). Ngoài ra, có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.

Theo TS.BS Vũ Minh Điền, Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng gồm: Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng văcxin lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái khó thở; Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn IV, suy giảm miễn dịch nặng): Chống chỉ định tiêm chủng văcxin sống giảm độc lực. Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại văcxin.

Thực hiện tiêm chủng văcxin Covid-19.

Thực hiện tiêm chủng văcxin Covid-19.

Tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp có tình trạng suy chức năng cơ quan. Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (tại nách). Người mới dùng các sản phẩm globumin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) thì tạm hoãn văcxin sống giảm độc lực. Người đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (prednisolon 2mg/kg/ngày) hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực.

Người có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại văcxin. Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi... chưa ổn định. Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại văcxin.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, để đảm bảo triển khai văcxin an toàn, cán bộ y tế đã được tập huấn về sử dụng văcxin và theo dõi, xử lý sự cố sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng. 

Tuy nhiên, người đi tiêm cũng phải luôn chú ý: Các trường hợp sốc phản vệ không chỉ xuất hiện trong 30 phút sau tiêm, mà có thể phản ứng muộn trong ngày đầu tiêm, do đó, nếu có các biểu hiện khó chịu, bứt rút hay là vã mồi hôi, ớn lạnh... hãy liên hệ cơ sở y tế và được xử trí. Với mũi tiêm tiếp theo - liều thứ 2, phải báo cho cán bộ tiêm về mũi tiêm trước đó. Nếu có phản ứng sốc, phản ứng nặng của lần tiêm trước đó thì phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top