Tiêm văcxin Covid-19 dịch vụ, bao giờ?

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Y tế đã sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng lớn nhất với 70 triệu dân trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng hiện văcxin dành cho đối tượng ưu tiên vẫn chưa đủ nên nhiều người dân muốn được tiêm sớm văcxin Covid-19 dịch vụ. Mong muốn này liệu đến bao giờ được đáp ứng?

Nhu cầu tiêm dịch vụ rất lớn

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (45 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị nằm trong 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm văcxin phòng Covid-19, nhưng tới thời điểm hiện tại chị vẫn chưa tiêm. Một phần là do chị muốn dành sự ưu tiên này cho những người đang trực tiếp ngày đêm tiếp xúc với nguồn lây trước, một phần là chị thích cả gia đình được tiêm văcxin dịch vụ. Chị mong Nhà nước sớm có cơ chế cho người dân được tiêm dịch vụ, được quyền lựa chọn loại văcxin mà mình mong muốn.

Theo chị Trang, dịch vụ tiêm văcxin Covid-19 sẽ mang lại nhiều lợi ích gồm: Đỡ gánh nặng cho Nhà nước về chi phí mua văcxin (tiền trong quỹ văcxin nên được ưu tiên cho những người thuộc tuyến đầu chống dịch, người yếu thế, người nghèo...); thúc đẩy tạo miễn dịch cộng đồng nhanh hơn và tạo điều kiện cho người dân chăm sóc sức khỏe của mình.

Kiểm tra công tác tiêm văcxin Covid-19 tại TPHCM.

Kiểm tra công tác tiêm văcxin Covid-19 tại TPHCM.

TS Phạm Khánh Nam, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, ông đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 600 người ngẫu nhiên tại TPHCM, kết quả 76% đồng ý trả 700.000đ cho 2 liều văcxin Covid-19.

Trả lời phóng viên KH&ĐS, DS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, chính sách tiêm miễn phí cho toàn dân của Đảng, Chính phủ rất nhân đạo, tuy nhiên, vì chính sách chung áp dụng cho gần một trăm triệu người nên không thể đúng hết cho mọi đối tượng. Ví dụ, một chủ doanh nghiệp chỉ 35 tuổi, không nằm trong diện người cao tuổi, không thuộc diện người nghèo, không cung cấp mặt hàng thiết yếu... thì chưa có tên trong danh sách được ưu tiên tiêm ngừa. Trong khi vai trò của chủ doanh nghiệp này khá quan trọng vì đang lo cho cuộc sống của hàng ngàn người lao động, cũng cần được tiêm ngừa văcxin phòng Covid-19 sớm...

Khai báo điện tử.

Khai báo điện tử.

Theo DS Vũ Thị Thu Hà, đến thời điểm này VNVC đã có gần một triệu khách hàng là cá nhân hoặc doanh nghiệp đăng ký tiêm ngừa văcxin phòng Covid-19. Những người này khi đăng ký ở hệ thống tiêm chủng VNVC tức là họ đã chọn tiêm ngừa văcxin dịch vụ. Mặc dù VNVC chưa công bố khi nào mới tiêm ngừa, giá tiền cho mỗi liều văcxin là bao nhiêu thì đã có một số lượng lớn người đăng ký. Như vậy, có thể thấy nhu cầu chích ngừa văcxin dịch vụ phòng Covid-19 là rất lớn.

Thực hiện tiêm.
Thực hiện tiêm.

Hết đối tượng ưu tiên sẽ tiêm dịch vụ?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay chúng ta chưa có đủ văcxin nên chưa triển khai kế hoạch tiêm dịch vụ được. Số lượng văcxin nhận được tính đến 20/6 là 4,2 triệu liều nên chúng ta vẫn đang dành sự ưu tiên cho 10 nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch theo nghị định 21 của Chính phủ. Ngoài ra, văcxin còn được ưu tiên cho dân vùng dịch, công nhân... Khi có nhiều văcxin thì chúng ta có thể vừa triển khai tiêm miễn phí cho người dân vừa tiêm dịch vụ cho những người có nhu cầu. Hiện chúng ta đã xây dựng Quỹ Văcxin phòng chống Covid-19 để đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân được tiêm văcxin. Quỹ văcxin ưu tiên miễn phí cho đối tượng nghèo, người vùng dịch, đối tượng nguy cơ cao...

Trả lời về vấn đề hiện nay có nhiều người thuộc nhóm ưu tiên được tiêm văcxin nhưng vẫn mong muốn chờ đợi để được tiêm dịch vụ với loại văcxin mà mình mong muốn, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, đối tượng được ưu tiên, đối tượng trong vùng dịch khi được ưu tiên thì có văcxin gì nên tiêm văcxin đó. Người được ưu tiên nên tiêm càng sớm càng tốt. Đây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm. Quyền lợi là để phòng bệnh, còn trách nhiệm là đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Đồng quan điểm về vấn đề này, DS Vũ Thị Thu Hà cho rằng, hiện nay có nhiều loại văcxin phòng Covid-19 trên thế giới đã được cấp phép và đưa vào tiêm chủng trên nhiều quốc gia. Mong muốn tiêm dịch vụ loại văcxin tốt, có hiệu lực bảo vệ cao, ít phản ứng phụ là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, người dân nên được tiêm phòng khi có cơ hội; tránh tâm lý chờ đợi văcxin trong điều kiện nguồn cung còn hạn chế. Vì càng tiêm sớm càng được bảo vệ sớm và tạo miễn dịch cộng đồng nhanh hơn.

Theo DS Vũ Thị Thu Hà, ngày 18/6, Chính phủ đã có nghị quyết cho tư nhân được tham gia tiêm chủng văcxin phòng Covid-19 dịch vụ. Tuy nhiên, để nghị quyết này được triển khai cũng cần có thời gian và hướng dẫn cụ thể hơn.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng theo hướng tích cực, các tổ chức y tế đều khẳng định phải phụ thuộc vào việc tiêm văcxin. Tuy nhiên, đây là việc không dễ dàng bởi nhiều yếu tố như số lượng văcxin có đủ hay không, quá trình triển khai tiêm chủng như thế nào và sự hợp tác của người dân ra sao.

Về nguồn văcxin, đây là khó khăn chung của toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam. Hiện nay, việc phân phối văcxin trên các quốc gia trên thế giới cũng đang rất khó khăn vì cơ chế ưu tiên cho các quốc gia có mức độ bùng phát dịch cao, ngay cả với những hợp đồng đã ký kết thì thời gian để nhận văcxin cũng bị ảnh hưởng nhiều… Tuy nhiên, nếu như tình hình thuận lợi và theo đúng kế hoạch của hợp đồng thì văcxin phòng Covid-19 của AstraZeneca mà VNVC đã đặt mua 30 triệu liều sẽ về nhiều hơn từ cuối tháng này và hy vọng sẽ có nhiều người dân được tiêm chủng.

Hiện VNVC vẫn nhận các đăng ký tiêm của người dân, doanh nghiệp. Khi được phép tiêm chủng dịch vụ và có nguồn văcxin để cung cấp, VNVC sẽ thông tin lại cho khách hàng.

“Không có văcxin nào đạt hiệu quả 100%. Nhưng nếu đã tiêm đủ văcxin ngừa Covid-19 theo quy định thì sẽ phòng được 60 - 95%, tùy từng loại văcxin và khả năng đáp ứng của từng người. Tuy thực tế có những người tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm nhưng mức độ nhiễm nhẹ hơn, hoặc không có triệu chứng, giảm thời gian điều trị và nguy cơ tử vong. Người tiêm văcxin Covid-19 cần phải lưu ý nên tiêm mũi 1 và 2 cùng một loại văcxin, nếu không có cùng loại thì phải tiêm lại coi như tiêm lần đầu.

Việc tiêm văcxin Covid-19 là biện pháp chủ động quan trọng nhất để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi tiêm văcxin người dân vẫn cần y thức về tầm quan trọng trong việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời, hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, trong đó có biện pháp 5K” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyên.

Theo Đời sống
back to top