Tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV loại bỏ 90% nguy cơ mắc bệnh

Nhiều bạn đọc thắc mắc, phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc từng nhiễm HPV có cần tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung không ?

BS. Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa 1, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, HPV (Human Papiloma Virus) là virus gây u nhú ở người. Trong đó, chủng 16, 18 có khả năng gây ung thư cổ tử cung. Hơn 90% trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung. HPV có thể tồn tại và phát triển âm thầm trong cơ thể, không tạo ra bất kỳ triệu chứng nào. Tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV là biện pháp phòng ngừa đến 90% nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, vắc xin phòng HPV được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi 9-26, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay đã từng nhiễm virus HPV. Thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm, tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại và miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được. Bên cạnh đó, HPV có nhiều loại khác nhau. Tiêm vắc xin giúp tránh lây nhiễm những loại HPV khác mà mình chưa mắc.

Tuy nhiên, vắc xin HPV không giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, không dự phòng điều trị các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh do virus khác gây ra. Phụ nữ đã được tiêm vắc xin HPV vẫn cần tuân theo các khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung giống như chưa tiêm chủng.

Ba loại vắc xin ngăn ngừa nhiễm các loại virus HPV, đặc biệt là type 16 và 18, đã được cấp phép sử dụng gồm Gardasil, Gardasil 9 và Cervarix.

Theo Đời sống
back to top