Tiêm Steroid ngoài màng cứng điều trị đau cổ và lưng

(khoahocdoisong.vn) - Đây là một trong những phương pháp tiêm phong bế cột sống giúp chẩn bệnh và điều trị. Nếu thực hiện kỹ thuật đúng, bệnh có thể khỏi trong một thời gian dài và là cơ sở vững chắc để bác sĩ đưa ra nhựng quyết định phẫu thuật về sau.

Giúp giảm đau thắt lưng, đau cổ

ESI là một kỹ thuật tiêm phổ biến để giúp giảm đau thắt lưng và đau cổ. Khoang ngoài màng cứng của cột sống là khoảng trống giữa lớp vỏ bao bọc tủy sống (màng cứng) và cấu trúc xương ống sống. Nó trải toàn bộ chiều dài cột sống. Khi được tiêm vào khu vực này, thuốc sẽ di chuyển tự do lên xuống cột sống để bao phủ các rễ thần kinh và bao ngoài của các khớp cột sống gần khu vực tiêm. Ví dụ, nếu tiêm thuốc vào cột sống thắt lưng, thuốc thường sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phần dưới của cột sống.

Tiêm ngoài màng cứng thường được sử dụng để điều trị đau lan kiểu rễ thần kinh do nguyên nhân kích thích các dây thần kinh. Loại đau này thường gây ra do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm chịu áp lực mạnh hoặc do sự thoái hóa tạo nên một vết rách ở bao xơ đĩa đệm và nhân nhầy trong đĩa đệm sẽ thoát ra khỏi vị trí bình thường. Nếu vết rách gần vị trí của ống sống, nhân nhầy đĩa đệm có thể thoát ra khỏi vị trí bình thường của nó, để chui vào trong ống sống, từ đó chèn ép lên tủy sống và các rễ thần kinh của bạn. Hẹp cột sống là bệnh lý hẹp trong ống sống, gây chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh cột sống.

Ngoài ra, tiêm ngoài màng cứng cũng rất hiệu quả khi nguyên nhân gây đau là do viêm khớp cột sống ở nhiều vị trí. Thuốc sau tiêm sẽ bao phủ bên ngoài các khớp tổn thương và hấp thụ vào bên trong. Loại tiêm này giúp làm giảm viêm ở khớp. Việc tiêm ngoài màng cứng đôi khi cũng nhắm tới các dây thần kinh nhỏ phân bổ cho khớp. Một liệu trình điều trị có thể cần phải tiêm vài lần ngoài màng cứng trong khoảng thời gian vài tuần.

Điều này là do sự giảm đau từ tiêm ngoài màng cứng thường giảm theo thời gian. Không có gì lạ khi có 3 mũi tiêm ngoài màng cứng vùng thắt lưng, mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày. Kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng, một kim tiêm ngoài màng cứng được đưa vào lưng và vào khoang ngoài màng cứng. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ lidocaine vào khoang ngoài màng cứng và chờ xem bệnh nhân có cảm thấy ấm và tê ở chân hay không. Nếu đúng, chứng tỏ mũi kim đã nằm ở vị trí chính xác như mong muốn. Phần còn lại của thuốc sẽ được tiêm nốt vào khoang ngoài màng cứng và rút kim.

3 cách tiêm ngoài màng cứng

Tiêm đoạn cùng: Tiêm đoạn cùng là tiêm ngoài màng cứng được chọc qua khe hở từ dưới xương cùng (khoảng trống bên dưới cột sống thắt lưng gần xương cùng). Thuốc tiêm được đặt vào khoang ngoài màng cứng. Kỹ thuật tiêm này này thường ảnh hưởng đến các dây thần kinh cột sống ở cuối ống sống, gần xương cùng. Tập hợp các dây thần kinh tại vùng này được gọi là vùng đuôi ngựa. Một trong những lợi ích của loại tiêm này là ít có khả năng làm thủng rách màng cứng.

Tiêm gian lam cột sống: Tiếp cận gian lam cột sống là cách phổ biến nhất để thực hiện tiêm ngoài màng cứng. Loại tiêm này được thực hiện bằng cách đặt một cây kim giữa hai đốt sống phía sau lưng. Kim được chèn giữa hai gai sau của hai đốt sống. Bác sĩ có thể cảm nhận được được chỗ lồi lên của các gai sau bằng cách vuốt dọc theo lưng của cột sống từ dưới lên trên.

Tiêm qua lỗ liên hợp: Tiếp cận qua lỗ liên hợp là một kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng rất chọn lọc xung quanh một rễ thần kinh cụ thể. Các lỗ liên hợp là những khe hở nhỏ giữa các đốt sống, thông qua đó các rễ thần kinh thoát ra khỏi ống sống và đi vào cơ thể. Bằng cách tiêm thuốc xung quanh một rễ thần kinh cụ thể, bác sĩ có thể xác định liệu rễ thần kinh này có phải là thủ phạm gây ra đau hay không. Loại ESI này được sử dụng thường xuyên nhất cho mục đích chẩn đoán và thường được sử dụng ở cổ và lưng.

Kỹ thuật tiêm này phải được thực hiện bởi các chuyên gia về cột sống hoặc nhà điện quang can thiệp. Lý do là bác sĩ phải sử dụng máy điện quang can thiệp và sự am hiểu về cấu trúc giải phẫu cột sống để tìm ra đúng rễ thần kinh nghi ngờ và đặt mũi kim vào đúng vị trí mong muốn.

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top