Tích nước mưa đề phòng hạn hán

(khoahocdoisong.vn) - PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho rằng, hoàn toàn có thể đối phó với hạn hán bằng cách tích nước trong mùa mưa để phân bổ lại trong mùa khô.

Người ta nói nhiều đến tình trạng thiếu nước, khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên. Thực tế vào mùa mưa, những vùng này có nguồn nước rất dồi dào. Vậy là không phải là Tây Nguyên thiếu nước mà là thiếu giải pháp quy hoạch, điều phối nguồn nước giữa các mùa, thiếu giải pháp về công nghệ lưu giữ nước để nguồn nước vào mùa mưa được giữ lại, khai thác sử dụng vào mùa khô. Vì vậy, việc cần phải làm chính là giữ lượng nước dồi dào này, cho ngấm xuống đất. Phương án đưa ra là phải bổ cập nước vào lòng đất thông qua bể chứa và các mũi khoan đưa nước từ trên mặt đất vào tầng chứa nước để chống úng ngập mặt đất và lấp đầy khoảng không gian tầng chứa nước “bị tháo khô” do hạ thấp mực nước trong quá trình khai thác nước.

Với các khu đô thị, sẽ gom nước mưa từ các nhà cao tầng, từ đường phố, sân vận động, từ những khoảnh đất trống... để đưa vào các mũi khoan. Loại nước mưa thu gom từ mái nhà có chất lượng hoàn toàn thỏa mãn với yêu cầu nước dùng làm nguồn phục vụ cấp nước. Còn nước trên vỉa hè, đường phố, trước khi cho thoát xuống dưới lòng đất cần tập trung trong các giao thông hào, hố đào để lắng lọc sơ bộ sau đó lọc rồi cho chảy vào các lỗ khoan. Giải pháp này có thể được thực hiện ở các thành phố kể cả Hà Nội. Đối với các khu vực rộng, có nhiều diện tích như Tây Nguyên thì cần làm nhiều hồ chứa lớn nhỏ sau đó đưa nước bổ cập vào tầng chứa nước. Song song với đó, dọc theo các trục đường và trong các trang trại cà phê có thể tạo rãnh thoát nước, đưa nước mưa vào hố lọc, xử lý sạch rồi bổ cập xuống lòng đất.

“Ở Tây Nguyên, chúng tôi đã làm ba lỗ khoan, trong đó có hai lỗ khoan đưa nước xuống, một lỗ khai thác nước lên ở huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng. Một ví dụ khác ở Chư Pah, Gia Lai, ngay trường Dân tộc nội trú, nơi bao nhiêu năm không có nước, chúng tôi tiến hành khoan hai lỗ, một lỗ khoan đưa nước xuống, biến tầng chứa nước nghèo nước thành tầng có thể khai thác được, một lỗ khoan đưa nước lên để sử dụng. Công trình được làm từ năm 2009, năm ngoái chúng tôi vào khảo sát, cây cối xanh tốt, đủ nước sử dụng”, PGS.TS Đoàn Văn Cánh cho hay.

Phong Lâm

Theo Đời sống
back to top