Thủy điện Nậm Hóa 1 với nút thắt đất lúa – đất rừng phòng hộ

(khoahocdoisong.vn) - Dù Sở TNMT tỉnh Điện Biên đề nghị các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng phối hợp chủ đầu tư (Công ty Anpha-el) kiểm tra, rà soát diện tích đất trồng lúa và đất rừng tại dự án Thủy điện Nậm Hóa 1, thậm chí đề nghị lập hồ sơ xin ý kiến Thủ tướng. Nhưng chủ đầu tư thì đề nghị được nộp tiền trồng rừng thay thế diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án.

Hai tỉnh cùng quản, dự án thoải mái lùi tiến độ

Tháng10.2011, trên cơ sở thống nhất 2 tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên đã chấp thuận phương án đầu tư xây dựng Dự án thủy điện Nậm Hóa 1, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, thuộc tỉnh Sơn La cho Công ty CP Đầu tư thủy điện Anpha (Anpha-el).

Theo đó, tỉnh Điện Biên chấp thuận cho Anpha-el được đầu tư xây dựng Dự án thủy điện Nậm Hóa 1 theo phương án: Xây dựng công trình đầu mối và nhà máy sau đập tại bản Pá Sáng, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu của tỉnh Sơn La. Vùng lòng hồ của dự án kéo dài trên địa phận các xã Mường Bám, Long Hẹ (Thuận Châu, Sơn La) và các xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng), Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) của tỉnh Điện Biên.

Văn bản này, được UBND tỉnh Điện Biên gửi tới đồng thời Công ty Anpha-el và UBND tỉnh Sơn La cũng như các Sở ngành liên quan.

Tháng 4.2012, UBND tỉnh Sơn La cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Anpha-el thực hiện dự án công trình thủy điện Nậm Hóa 1. Thông tin về dự án như sau: địa điểm thực hiện nằm trên một số địa bàn thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và huyện Mường Ảng, Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên; Tổng diện tích đất sử dụng 139,92 ha, tổng vốn đầu tư 752,32 tỷ đồng, tiến độ dự án khởi công quý 4.2012, dự kiến hoàn thành quý 4.2014.

Tới tháng 2.2015, tỉnh Sơn La cấp chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất cho chủ đầu tư Anpha-el. Theo đó, tổng diện tích đất sử dụng “co lại” là 137,18 ha. Đáng chú ý, tiến độ hoàn thành dự án được dự kiến lùi tới 3 năm, vào quý 4.2017.

Đến hẹn lại lên, cuối tháng 12.2017, Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La ra văn bản chứng nhận chủ đầu tư Anpha-el được đăng ký điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án (công suất 18 MW) với mốc hoàn thành là quý 4.2019. Văn bản này được căn cứ một phần vào Công văn 4136/UBND-KT ngày 12.12.2017 của UBND tỉnh Sơn La về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Về phía Công ty CP Đầu tư thủy điện Anpha, tháng 3.2014, HĐQT Công ty này quyết định phê duyệt Dự án Công trình thủy điện Nậm Hóa 1 với một số cơ sở pháp lý sau: Quyết định 1160/QĐ-UBND vào tháng 5.2007 của UBND tỉnh Sơn La về phê duyệt kết quả lựa chọn chủ đầu tư dự án thủy điện Nậm Hóa, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, Quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Sơn La của UBND tỉnh Sơn La vào tháng 6.2010, Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 của Bộ TNMT vào tháng 2.2012…

Ở Quyết định phê duyệt Dự án của Anpha-el nêu trên, dự án được nêu hình thức đầu tư là Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO), thời gian thực hiện thi công 2 năm không kể thời gian chuẩn bị.

Lễ ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng Dự án thủy điện Nậm Hóa 1 giữa BIDV Sơn La và Anpha - el.

Lễ ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng Dự án thủy điện Nậm Hóa 1 giữa BIDV Sơn La và Anpha - el.

Sát hẹn, vẫn chưa xong thủ tục

Theo tìm hiểu, tháng 7.2018, dự án thủy điện Nậm Hóa 1 vẫn đang vướng vấn đề bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Cụ thể, thông tin từ Sở TNMT tỉnh Điện Biên cho biết: Dự án này đã được HĐND tỉnh Điện Biên chấp thuận bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào mục đích xây dựng thủy điện trên địa bàn tại Nghị quyết 63/NQ-HĐND ngày 13.7.2017 với tổng diện tích 80,4 ha. Trong đó, dự án sử dụng 5,09 ha đất lúa 1 vụ.

Tuy nhiên, theo báo cáo (tháng 3.2018) của UBND huyện Mường Ảng (Điện Biên), thì tổng nhu cầu sử dụng của Dự án trên địa bàn huyện là khoảng 74,3 ha. Trong đó, đất chuyên trồng lúa là gần 12ha, đất rừng phòng hộ 18,5ha.

Vì vậy, để đảm bảo đúng pháp luật đất đai, Sở TNMT tỉnh Điện Biên đề nghị các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng phối hợp chủ đầu tư kiểm tra, rà soát tổng nhu cầu sử dụng của Dự án trên địa bàn Điện Biên để xử lý như sau: Đối với diện tích đất chuyên trồng lúa, đề nghị huyện Mường Ảng hướng dẫn Anpha-el lập hồ sơ xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai 2013.

Đáng chú ý, đối với diện tích rừng, đề nghị các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng kiểm tra, rà soát trường hợp có rừng tự nhiên thì hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ xin Thủ tướng chấp thuận theo quy định tại Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo của Đảng với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trường hợp không có rừng tự nhiên thì tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh chấp thuận cho phép chuyển mục đích đối với khoảng 18,5 ha đất rừng phòng hộ.

Chưa rõ việc chuyển mục đích gần 12ha đất chuyên trồng lúa và 18,5 ha đất rừng phòng hộ của dự án (trên địa bàn Điện Biên) đã được thực hiện ra sao, có phải trình Thủ tướng hay không. Nhưng tới đầu tháng 9 vừa qua, chủ đầu tư Anpha-el đã đề nghị tỉnh Điện Biên chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác để thực hiện Dự án.

Văn bản của Anpha-el nêu: tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác là 17,9 ha (trong đó diện tích đất có rừng là 6,1ha, diện tích đất lâm nghiệp không có rừng là 11,8 ha). Loại rừng được chuyển mục đích thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Diện tích đất để trồng rừng thay thế 6,1 ha.

Tuy nhiên, văn bản xin nộp tiền trồng rừng thay thế của Anpha-el không nêu bất cứ căn cứ cho phép nào từ Chính phủ (liên quan tới chuyển mục đích rừng phòng hộ cũng như đất lúa phục vụ dự án). Hiện chưa rõ UBND tỉnh Điện Biên có đồng ý với đề nghị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chấp thuận này không.  

Anpha-el là công ty con của Công ty CP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Meco). Tại thời điểm cuối 2018, Công ty mẹ Meco nắm giữ 64,63% vốn điều lệ Anpha-el. Phần còn lại thuộc về Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam DATC. Cuối tháng 11.2018, DATC dự kiến bán hơn 10,2 triệu CP nắm giữ tại Anpha-el bằng hình thức đấu giá theo lô vào ngày 21/12. Nhằm thu hồi vốn đầu tư, tái cơ cấu phục hồi doanh nghiệp.

Khi đó, DATC hé mở: dự án nhà máy thủy điện Nậm Hóa 1 đang thi công xây dựng và dự kiến tháng 6.2019 bắt đầu chạy thử.

Được biết, Anpha-el có khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn đến ngày 30.6.2018 là ngót 330,4 tỷ đồng. Khoản vay này do BIDV chi nhánh Sơn La cho vay từ tháng 10.2015 nhằm phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Hóa 1.

Theo Đời sống
Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những năm gần dây, nhà cấp 4 2 phòng ngủ thiết kế đơn giản, mang hơi hướng hiện đại làm toát lên vẻ đẹp tinh tế. Nhà cấp 4 với 2 phòng ngủ được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và chi phí xây dựng thấp. 
back to top