Thường xuyên thức khuya có thể gây đột quỵ não ở người trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Gần đây, các chuyên gia y tế cảnh báo về tình trạng đột quỵ não ở người trẻ (dưới 45 tuổi) ngày càng gia tăng. Ngoài các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu…, áp lực trong học tập, công việc cũng là tác nhân chính gây đột quỵ não.

Một bệnh viện y học cổ truyền tại TPHCM đang điều trị giai đoạn phục hồi cho nhiều bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ não. Trong đó, trẻ nhất là trường hợp của bệnh nhân nam 33 tuổi, tên N.V.T.

T. khá cao to, vạm vỡ, sáng láng, là nhân viên IT chủ chốt của một tập đoàn thực phẩm. Cách đây gần 3 tháng, khoảng 2 giờ sáng, khi chuẩn bị ngủ, T. đột ngột ngã lăn ra giường và bất tỉnh. T. được Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chẩn đoán là xuất huyết não và phẫu thuật mở hộp sọ, giải áp, xử lý máu tụ.

Vợ của bệnh nhân tỉ mỉ ngồi tập cho chồng nói và viết từng chữ như dạy trẻ lớp vỡ lòng. Cô cho biết, lúc tỉnh lại sau khi được phẫu thuật, T. chỉ nhận ra mỗi vợ mình, nghe hiểu ít và không nói rõ được từ gì. Đến nay, bệnh nhân nói và viết được một số từ đơn giản. Bị liệt nửa người bên phải, sau thời gian điều trị phục hồi, hiện bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, bước đi nhưng tay phải hầu như chưa hoạt động được gì.

Theo lời kể của người vợ, trước khi bị đột quỵ, bệnh nhân T. đã có một thời gian làm việc liên tục đến 2 - 3 giờ sáng, mỗi ngày hầu như chỉ ngủ được khoảng 4 tiếng đồng hồ.

"Ảnh mê công việc IT dữ lắm. Công việc chính là quản trị mạng nhưng tối về ảnh còn tự học thiết kế phần mềm. Thường xuyên thức khuya, ảnh nói giờ đó làm việc mới hiệu quả. Mục tiêu của ảnh hướng tới chức giám đốc IT và tăng thêm thu nhập để chuẩn bị sinh con" - người vợ tự hào kể về chồng. Cô còn cho biết, chồng mình không hút thuốc lá hay uống rượu, lại còn chơi thể thao đều đặn. 

Năng lực, sức khỏe và sức chịu đựng của mỗi người là khác nhau. Không phải ai thức khuya cũng đều bị đột quỵ, tuy nhiên, cơ thể cần có đủ thời gian để nghỉ ngơi và tái tạo. Khi phải làm việc quá mức chịu đựng, nếu không phải đột quỵ, cơ thể cũng nhanh chóng suy kiệt, suy giảm thị lực, trí nhớ, miễn dịch; đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nội tiết…

Trong trường hợp này, một mặt bệnh nhân (BN) vốn đã bị tăng huyết áp nhưng không điều trị. Mặt khác, để thăng tiến trong nghề nghiệp, BN tự tạo cho mình một áp lực. Khi thường xuyên làm việc về khuya, não cần được tưới máu nhiều hơn, áp lực bơm máu lên não càng tăng, khiến huyết áp tăng vọt, tạo một lực tác động lên thành mạch máu não lớn quá mức và hậu quả là vỡ mạch máu não.

Khi một người trẻ đột quỵ, hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, vật chất cho chính bản thân người bệnh và những người thân là điều khó có thể đo đếm được.

Hiện nay, tháng thứ 3 sau đột quỵ, mẹ và vợ của BN N.V.T. vẫn luôn ở bên để chăm lo ăn uống, vệ sinh, tập luyện vì BN chưa thể tự chăm sóc bản thân mình. Từ lúc người chồng bệnh, người vợ đã xin nghỉ việc hoàn toàn để lo chăm chồng. Người mẹ vì hết lòng tập luyện cho con cũng đã phát sinh chứng bệnh đau cơ xương khớp.

Do vậy, để phòng ngừa đột quỵ, mỗi người cần có một chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Với những người mắc phải những bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường cần có sự kiểm soát, theo dõi và tư vấn định kỳ của bác sĩ chuyên khoa.

Y sĩ Mộc Nguyên (Hội Đông y quận Phú Nhuận, TPHCM)

Theo Đời sống
back to top