Thuốc Nam chữa hắc lào

(khoahocdoisong.vn) - Hắc lào còn được gọi là bệnh nấm da, xảy ra do sự xâm nhập của các vi nấm thuộc nhóm dermatophytes. Nhóm nấm này có nhiều loại, mỗi loại lại gây ra sự tổn thương trên các vùng cơ thể khác nhau, ví dụ chủng tinea corporis gây bệnh toàn thân, chủng tinea cruris gây nấm da đùi, chủng tinea capitis gây nấm da đầu…

Hắc lào phần nhiều do môi trường sống

Hai dấu hiệu nổi bật của bệnh hắc lào là ngứa và nổi mẩn đỏ, mụn nước. Ngứa ở vùng có tổn thương da, cả ngày lẫn đêm, tăng nhiều khi ra mồ hôi, trời nóng nực hay về đêm. Nổi mẩn đỏ một vùng có giới hạn rõ, trên bề mặt thường có nổi nhiều mụn nước như phỏng tập trung ở rìa của tổn thương nên còn được gọi là lác đồng tiền. Bệnh thường khởi đầu ở một bên bẹn, sau đó có thể lan sang bên kia và ra sau mông. Ngoài ra, bệnh còn có thể gặp ở chi, bụng và mặt. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ lan thêm ra những vị trí khác, tăng kích thước, chàm hóa hoặc lây sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hay lây qua quần áo. Nếu bôi thuốc không đúng (thuốc quá mạnh, bôi dây sang da lành hay da non, thuốc không đúng bệnh…) có thể gây ra tình trạng phỏng, chảy nước nhiều, ngứa dữ dội. Trong một số trường hợp có thể gây nhiễm trùng, đi lại khó khăn.

Nguyên nhân hắc lào do hệ miễn dịch suy yếu, vi nấm phát triển ở các bộ phận hầu họng, xương, hô hấp, da. Do người bệnh sống ở nơi ẩm thấp, thiếu không khí, ánh sáng, tắm ao hồ, bể bơi công cộng, dùng nước không sạch hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất. Vi nấm tồn tại cả ở mặt đất, cát…Một số người do vệ sinh kém, lười tắm, mặc quần áo nhiều ngày không thay, mặc quần áo ẩm làm cho vi nấm phát triển, xâm nhập cơ thể. Với những người sống tập thể, dùng chung khăn, quần áo, tư trang cá nhân, tiếp xúc với da của người nhiễm bệnh hắc lào cũng dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra còn do lây từ vật nuôi. 

Giữ khô vùng da bị bệnh, bôi thuốc hàng ngày

Tổn thương ban đầu thường là các đám nhỏ trò như hình đồng xu hoặc hình bầu dục, ranh giới rõ sau đó lan dần các đám liên kết với nhau tạo thành mảng lớn hình đa cung nổi nhẹ trên bề mặt da. Chỗ tổn thương có màu đỏ hoặc nâu, thường gây bong tróc vảy, có cạnh sắc cứng và ngứa. Một số trường hợp có thể kèm theo các mụn nước nhỏ phồng rộp hoặc các mụn mủ vàng do bị bội nhiễm bởi cào, gãi gây xước da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Để điều trị, phải thường xuyên tắm rửa nhẹ nhàng bằng xà phòng diệt nấm như sastid, nizorale, kara hoặc bằng chanh hoà loãng với nước. Sau khi tắm rửa hoặc khi bị ra nhiều mồ hôi phải lau bằng khăn khô ngay. Thông thường các thuốc bôi được sử dụng chứa các hoạt chất diệt nấm như fungiderm, nizorale, lamisin và bôi khoảng 2 – 4 tuần. Khi chữa hắc lào phải chữa cho mọi thành viên trong gia đình hoặc trong tập thể bị nhiễm bệnh cùng lúc.

Bệnh cạnh việc điều trị bằng thuốc, nhân dân ta hay chữa hắc lào bằng nhựa chuối xanh. Rửa sạch vùng da bị hắc lào bằng xà phòng, sữa tắm và giữ thông thoáng để vi nấm không phát triển. Cắt quả chuối xanh cho nhựa chảy ra, lấy nhựa chuối phủ kín lên vùng da bị nhiễm nấm sẽ giúp cho vết thương ngăn cách với môi trường bên ngoài, dần dần da sẽ được phục hồi và các nốt hắc lào biến mất. Nhựa của chuối xanh được đánh giá là có tác dụng chống oxy hóa, diệt nấm, kháng khuẩn, ngăn chặn sự lây lan của các mầm bệnh. Nhựa chuối còn có khả năng làm se kín tự nhiên giúp vùng da tổn thương nhanh lành. Nên sử dụng chuối xanh mới hái trên cây xuống để có được nhiều nhựa nhất. Có thể sử dụng các loại chuối tiêu, chuối sứ, chuối hột…Nên chọn quả chuối không quá già nhưng cũng không quá non, không bị sâu, vỏ nhẵn. 

Ngoài ra có thể dùng gel nha đam để chữa hắc lào: Cạo phần thịt nha đam rồi xay nhuyễn thành gel. Dùng phần gel này thoa lên vùng da nhiễm bệnh khoảng 3- 4 lần/ngày. Có thể bảo quản gel nha đam ở ngăn mát tủ lạnh tối đa 3 ngày để sử dụng dần. Nha đam chứa nhiều chất khử trùng có đặc tính kháng khuẩn, chống nấm.  Gel nha đam có đặc tính làm mát nên sẽ giúp giảm cảm giác ngứa và sưng.

Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top