Thuốc chữa 11 bệnh của thận thủy khí suy

(khoahocdoisong.vn) - Trong số báo 34 ra ngày 19/3, KH&ĐS đã đăng bài “Sợ lạnh – dấu hiệu của nhiều bệnh”, tiếp tục ở số báo này KH&ĐS hướng dẫn các bài thuốc để trị bệnh.

1. Chứng sợ lạnh do cảm phong hàn: Sợ lạnh, không ra mồ hôi hoặc có ít mồ hôi, đau đầu, đau mình, mạch phù, rêu lưỡi trắng, là thuộc phong hàn bó ở ngoài biểu. Phương thang Hứu thị thất vị ẩm nhằm sơ biểu tán hàn, lý khí tuyên phế, gồm: Phòng phong 12g, cát cánh 12g, trần bì 8g, trạch tả 8g, chỉ xác10g, cam thảo 6g, sắc uống.

Gia giảm: Mùa xuân gia bạc hà 12g; Mùa hạ gia tử tô (hạt cây tía tô)12g; Mùa thu gia đại táo 3 trái; Mùa đông gia sinh khương 3 lát; Phong nhiệt, phong ôn gia kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g; Phong thấp gia thương truật 12g, hoắc hương 10g; Cảm cúm gia ngải diệp (lá thuốc cứu) 12g, Ho gà gia tạo giác 6g, quai bị gia sài hồ 12g.

Mùa đông – xuân rất dễ cảm mạo phong hàn, có thể uống thuốc dự phòng bằng phương thang Vương thị gia vị phòng cảm cao: Hoàng kỳ 12g, đảng sâm 16g, bạch truật 12g, phòng phong 12g, bản lam căn 10g, sắc uống .

2. Rối loạn tuyến giáp: Thường do can khí uất kết ở bên trong khí huyết không thể ngoại đạt đến tứ chi nên xuất hiện chân tay lạnh, tinh thần uất ức ngực sươn đầy tức chướng đau. Phương thang tứ nghịch tán, gia sài hồ nhằm sơ can giải uất, gồm: Phụ tử 8g, chích thảo 8g, can khương 12g, sài hồ 16g, sắc uống.

3. Cơ thể quá gầy: Sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng lạnh, đau ê ẩm, có thể có phù thũng ở tay chân, toàn thân hoặc từ lưng trở xuống nặng hơn. Phương thang Phục nguyên đang nhằm ôn tỳ bổ thận, gồm: Phụ tử chế 4g, bạch truật 12g, nhục quế 6g, mộc hương 8g, ngô thù du 8g, thục tiêu (xuyên tiêu) 8g, tiểu hồi 12g, hậu phác 12g, trạch tả 12g, phục linh 12g, thảo quả nhục 12g, sinh khương bì 12g, sắc uống.

Phương thang 2 Quy tỳ thang phối hợp Hữu quy hoàn gồm: Nhân sâm16g, hoàng  kỳ 12g, chích thảo 6g, đại táo 3 quả, bạch truật 12g, mộc hương 8g, sinh khương 3 lát, hắc táo nhân 12g, thục địa 12g, lộc giác giao 16g, hoài sơn 12g, kỷ tử 12g, phụ tử chế 4g, sơn thù 12g, đỗ trọng 12g, đương  quy 12g.

4. Thiếu sắt: Phương thang Tứ vật + Quy tỳ thang: Xuyên khung 12g, đương quy 16g, bạch thược 12g, thục địa 10g, nhân sâm (đảng sâm)16g, phục thần 12g, toan táo nhân sao 20g, viễn chí 12g, hoàng kỳ 16g, mộc hương 8g, bạch truật 12g, long nhãn nhục 16g, chích thảo 6g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả, sắc uống.

5. Tuần hoàn kém: Đầu các ngón bị lạnh, đầu các ngón trở lên cứng và quắt lại, sắc mặt trắng nhợt, thể trạng yếu sức. Phương thang Quế phượng hoạt lạc thang gia quế chi: Đào nhân 10g, hy thiêm thảo 20g, đan sâm 20g, cam thảo 6g, hồng hoa10g, phượng tiên thảo 20g, quy đầu 12g, hà thủ ô đỏ 20g, sinh địa 12g, thục địa12g, tế tân 8g, bạch thược 12g, quế chi 12g, kê huyết đằng 16g, sắc uống

6. Ngủ không đủ giấc: Phương thang Quy tỳ thang gia giảm: Nhân sâm (đảng sâm) 16g, phục thần 16g, toan táo nhân sao 20g, viễn chí16g, hoàng kỳ 12g, mộc hương 6g, bạch truật 12g, long nhãn nhục 12g, đương quy 12g, chích thảo 6g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả, lạc tiên 16g, sắc uống.

7. Mất nước: Uống nước nhiều và đủ. Nên uống từ 6 - 8 ly nước mỗi ngày (1 ly khoảng 240ml, tương đương 1,6- 2 lít/ngày.

8. Thiếu Vitamin B12: Bài thuốc 1 gồm: Tơ hồng xanh 16g, sơn thù 16g, cẩu tích 16g, phòng đảng sâm 12g, tất bát (tiêu lốp) 12g, liên nhục (hạt sen)12g, tần giao12g, đương quy 12g, ngãi diệp (khô) 12g, trạch tả 12g, chích thảo 12g, thục địa 10g, tế tân 10g, lương khương (củ riềng)10g, dâm dương hoắc 10g, hoàng kỳ 16g, phụ tử 06g, sinh khương (gừng sống) 3 lát, sắc uống.

Phương thuốc 2 Triệu thị bổ huyết ôn kinh phương, dùng cho những người thiếu vitamin B12 làm ảnh hưởng tới máu: Sinh địa 20g, thục địa 12g, cam thảo 6g, tế tân 10g, quy đầu 12g, bạch thược 12g, quế chi 16g, kê huyết đằng 20g, sắc uống.

Bệnh chi trên gia khương hoàng 12g; Bệnh chi dưới gia ngưu tất 16g, thương truật 12g, huỳnh bá 10g; Chân tay lạnh rõ rệt gia ma hoàng 12g, phụ tử 6g; Bệnh lâu ngày các ngón quắt lại gia hà thủ ô 16g,  xuyên khung 12g.

9. Bệnh đái tháo đường: Tốt nhất là đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chữa trị nghiêm túc. Các vị thuốc thường dùng chữa đái tháo đường trong dân gian gồm:

Dây thìa canh: Cao dây thìa canh có công dụng ổn định đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng, điều chỉnh lượng đường trong máu, ngăn sự hấp thụ đường trong ruột và từ đó kích thích tuyến tụy tiết ra insulin. 

Giảo cổ lam: Làm giảm đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, giúp giảm các biến chứng. Giảo cổ lam có những tác dụng chính như giúp bình ổn huyết áp, làm tan huyết khối, chống kết tụ tiểu cầu, ngăn ngừa sơ vữa mạch, và các tai biến về mạch, tim, não, chống lão hóa, giúp ngăn ngừa stress, ngủ ngon giấc, ăn ngon miệng...

Khổ qua (mướp đắng): Đối với bệnh nhân đái tháo đường, khổ qua được xem như chất insulin từ tự nhiên.

Cỏ ngọt: Tác dụng ổn định đường huyết, tốt cho người tiểu đường. Ngoài ra, cỏ ngọt có tác dụng: phòng ngừa nguy cơ tim mach, trị rối loạn mỡ máu, ổn định huyết áp...

10. Bệnh RAYNAUD: Bệnh chi trên dùng phương Quế chi thang gia Khương hoàng: Quế chi 12g, bạch thược 16g, chích cam thảo 8g, sinh khương 3 lát, đại táo 4 quả, khương hoàng 12g, sắc uống.

Bệnh chi dưới dùng Tống thị chỉ thống phương: Đan sâm 16g, sinh hoàng kỳ 16g; quế chi 12g, xích thược 16g, phụ tử 4g, kê huyết đằng 20g, hồng hoa 12g, tế tân 10g, cam thảo 6g, bạch truật 12g, đào nhân 12g, thương truật 12g, kim ngân hoa 20g, huỳnh bá 12g, ngưu tất 16g, sắc uống.

 Đầu ngón sưng đau khá nặng gia đan sâm 12g, nhũ hương 8g, một dược 8g.

11. Hạ đường huyết: Phương thang kiện tỳ vị, ích khí huyết, dưỡng tâm, sinh thần: Đảng sâm 20g, phục linh 12g, sinh địa 16g, xuyên khung 12g, đương quy 16g, sơn thù 12g, bạch truật 12g, thục địa 16g, chích thảo 6g, bạch thược 12g, long nhãn 16g, sắc ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày. Uống trước khi ăn 1 giờ.

Kết hợp dùng món ăn: gà ác hầm với hoàng kỳ 30g, đương quy 16g, cam kỷ tử 16g. Mỗi tuần ăn một lần, trong một tháng.

BS Dư Quang Châu (Chủ tịch Chi hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Thập Chỉ Liên Tâm)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top