Thuốc bổ khí huyết trị tỳ hư

(khoahocdoisong.vn) - Các vị thuốc bổ tỳ phần nhiều là các vị thuốc quý, bán thực phẩm, ít độc. Nhiều vị có tác dụng lợi mật, bổ gan, kích thích tiêu hóa, giàu các yếu tố đại lượng, vi lượng và các vitamin... nên rất tốt để bồi bổ sức khỏe.

Tỳ là nguồn gốc của trăm mạch, là nơi chứa thức ăn uống, là gốc của hậu thiên, vì vậy, tỳ vị hư yếu thì ăn uống kém tiêu, có thể thiếu chất trở nên gầy yếu. Tỳ hư thì huyết kém sinh ra nhiều chứng bệnh. Huyết đã kém thì khí cũng không điều hòa được sinh ra “âm thịnh dương suy”, cơ thể suy nhược ăn uống không tiêu, đại tiện không đều, khó ngủ, thiếu máu… Vì vậy, dùng thuốc bổ tỳ là rất quang trọng.

Bài “Dưỡng vinh quy tỳ thang” chữa tỳ hư gây ho, sốt, nôn ra máu: Đây là bài thuốc của “Hải thượng Lãn Ông” gồm: Đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, phục linh 10g, bạch truật 15g, thục địa 20g, bạch thược 10g, mạch môn 15g, ngưu tất 12g, ngũ vị 8g, nhục quế 6g, táo nhân 8g, liên nhục 20g, đăng tâm 6g. Sắc uống nóng.

Bài này chữa tỳ hư mà ho, sốt, mệt mỏi, biếng ăn hoặc nôn ra máu. Theo Hải Thượng, vì âm hư hỏa vượng sinh ta chứng ho hay thổ huyết, nên phải dùng ngưu tất để đưa trọc âm trở xuống, dùng mạch môn, ngũ vị để liễm khí.

Bài “Thổ cổ trung thang” chữa ăn không tiêu, nôn mửa: Bạch truật 30g (người khi hư tẩm hoàng thổ sao, người huyết hư tẩm sữa người sao), thục địa 15g (người tỳ hư không sao; người dương hư sao khô, người nhiều đờm tẩm nước gừng sao), cao thảo 6g, can khương 8g (sao tồn tính). Bài này chữa chứng hỏa của tỳ suy kém, dương của vị vượng lên. Biểu hiện người bệnh ăn không tiêu, nôn mửa, ỉa lỏng hoặc nguyên khí kém do tỳ vị hư yếu.

Công dụng: Bổ cả âm dương cho tỳ thổ. Có thể gia giảm theo chứng bệnh. Ví dụ: Tỳ vị quá hư hàn, ỉa lỏng thì thêm phục linh, phụ tử; Nôn ọe nhiều do hỏa thăng lên gia thêm ngũ vị, ngưu tất; Khí hư hàn mà đầy hơi thêm quế, phụ; Tả lý gia thêm bạch thược, thăng ma; bụng nóng, táo khát gia mạch môn, ngũ vị; Âm hỏa vượng bốc lên thì bỏ cam thảo, gia ngũ vị, ngưu tất, phụ tử.

Bài “Đại bổ tâm tỳ thang” chữa chứng hay ngất: Táo nhân 8g, đương quy 12g, bạch truật 12g, bạch thược 12g, phục thần 10g, viễn chí 8g, nhân sâm 8g, nhục quế 6g, ngũ vị 6g. Sắc uống lúc ấm.

Bài này chữa nguyên khí hư yếu, tạng tỳ không sinh được huyết, tạng tâm không tóm được huyết. Biểu hiện: người bệnh hay bị ngất ngã, hoa mắt, chóng mặt. Có thể uống xen với bài bát vị để bồi bổ cả thủy hỏa và bổ âm hậu thiên. Dùng nhục quế, ngũ vị để dẫn thuốc dễ dàng.

Bài “Đại kiến trung thang” chữa đau bụng cấp: Xuyên tiêu 6 – 8g, nhân sâm 8 – 12g, đường phèn 40g. Công dụng: xuyên tiêu, can khương, ôn trung, tán hàn. Còn có tác dụng giáng nghịch, ngừng đau. Nhân sâm ích khí, phù trợ chính khí. Đường phèn liều cao vừa ôn tỳ, kiên trung, hòa hoãn tính táo nhiệt của xuyên tiêu, lợi huyết sinh mạch. Chữa được chứng tỳ vị hư suy, âm hàn nội thịnh, gây đau bụng cấp, lưỡi bự, mạch huyền trì hoặc trầm tế. Cách dùng: sắc thuốc xong mới chắt nước bỏ đường phèn vào hòa tan, đun sôi để nóng uống làm hai lần trong ngày.

Theo Đời sống
back to top