Thủng ruột non, sinh u vì hóc xương cá dài 4cm

(khoahocdoisong.vn) - Hóc xương không chỉ đâm thủng ruột, mà còn dễ gây tử vong vì đâm vào thực quản gây chảy máu ồ ạt. Có những bệnh nhân chỉ vì xương trú ngụ mà tưởng ung thư.

Xương đâm thủng ruột chỉ sau ăn 3 -4 giờ

Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E vừa phẫu thuật cấp cứu gắp mảnh xương cá dài 4 cm đâm thủng ruột non cho một bệnh nhân nam (22 tuổi, ở Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội).

Trước đó, ngày 11/2/2018, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị. Qua thăm khám của bác sĩ khi ấn vào vùng bụng bệnh nhân có hiện tượng đau quặn. Khai thác tiền sử, trước đó, bệnh nhân có ăn cơm suất (có cơm, rau, cá), sau ăn khoảng 3-4 giờ bệnh nhân đau bụng đột ngột vùng thượng vị, sau lan ra khắp bụng.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện E và được các bác sĩ chỉ định chụp CT ổ bụng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện hình ảnh khí tự do trong ổ bụng kèm theo dị vật cản quang vùng tràng tiểu khung. Bệnh nhân được BS Lương Đức Anh – Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E chỉ định phẫu thuật cấp cứu nội soi ổ bụng gắp dị vật là xương cá dài khoảng 4cm, kích thước khoảng 0.5mm, khâu lổ thủng ở vùng ruột non.

"Tính ưu việt khi áp dụng mổ nội soi ổ bụng của các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp nên việc phẫu thuật thủng ruột và ổ bụng rất gọn sạch, ít gây đau và sẹo, hạn chế di chứng cho bệnh nhân. Hiện nay, sau mổ bệnh nhân sức khỏe đã ổn và đang được điều trị và chăm sóc tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E và có thể xuất viện vào tuần tới" - BS Đức Anh chia sẻ

Chữa mẹo hóc xương rất dễ tử vong

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật tại bệnh viện E.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật tại bệnh viện E.

Theo BS Đức Anh, dị vật xương cá là một trong những nguyên nhân đâm thủng đường tiêu hóa, nếu ăn uống không cẩn thận. Bởi xương cá là dị vật sắc, nhọn có thể di chuyển và gây thủng bất cứ vị trí nào trong hệ tiêu hóa, trong đó có phần ruột non. Đối với ruột non mỏng, hẹp, nhu động nhiều hơn nên nguy cơ thủng cao gấp nhiều lần so với vị trí khác trong hệ tiêu hóa. Nếu không được phẫu thuật kịp thời ổ áp xe vỡ ra tràn vào ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc toàn thể dễ khiến bệnh nhân tử vong sau sốc nhiễm trùng.

Thực tế hiện nay có nhiều trường hợp khi bị hóc xương móc ra không được đã dùng cách chữa mẹo như nuốt cơm, ăn cùi bưởi, nuốt chửng cam... để cho xương mắc vào trôi xuống. Có trường hợp xương chui xuống được nhưng lại phải cấp cứu vì có khối xơ tắc tại ruột non.

TS Trương Thanh Tùng, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng. Đây là một bệnh nguy hiểm, nếu tắc ruột không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như thủng ruột, giãn ruột, ruột hoại tử, viêm phúc mạc và xuất huyết. Hầu hết, bệnh nhân thường phải phẫu thuật cấp cứu nếu không rất dễ tử vong.

Cũng có những trường hợp phải gây mê nội soi gắp hai chạc xương cánh gà trong thực quản bệnh nhân trong khi xương đã tạo ổ áp xe, gây chảy máu. Rất may bệnh nhân được gắp ra kịp thời nếu không xương đâm vào thực quản gây chảy máu ồ ạt thì ngay cả nằm trên bàn mổ cũng khó cứu được. Hầu hết các bệnh nhân chữa mẹo xương ra được thì ít còn hầu hết thì phải nhập viện trong tình trạng nặng hơn.

Bởi khi cố tình lấy xương ra, xương có thể có thể từ thực quản chui ra ngoài. Khi đó, sẽ có nguy cơ xương cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra. Nếu xương làm thủng mạch máu, bệnh nhân rất dễ tử vong.

Xương dài 4 cm đâm thủng ruột non được lấy ra.

Xương dài 4 cm đâm thủng ruột non được lấy ra.

Tưởng ung thư hóa ra xương trú ngụ sinh u            

Có rất nhiều trường hợp chỉ vì chiếc xương lại tưởng mình lãnh án tử hình ung thư. Như trường hợp anh Nguyễn Văn K 45 tuổi (Hà Nội) được đến viện vì bị đau bụng, khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân được mổ tại bệnh viện tỉnh vì viêm ruột thừa, nhưng sau mổ không hết đau. Về nhà, sau 1 tháng bệnh nhân lại tới viện 108 để tiếp tục điều trị bệnh đau bụng, khi chụp CT thì phát hiện 1 khối u đại tràng phải gần sát manh tràng và kết quả sau mổ nguyên nhân bệnh được khẳng định khối viêm nhiễm trùng đó là do thủng mặt sau đại tràng phải mà thủ phạm là một mảnh xương. 

Tương tự, tại Bệnh viện TƯQĐ 108 cũng đã gặp một trường hợp bệnh nhân 49 tuổi là một cán Bộ công chức được chẩn đoán ung thư thực quản bởi bệnh nhân thấy nuốt vướng, đau nhẹ vùng trước ngực, đi khám, chụp phim XQ thấy khối u. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được Nội soi và xác định không phải U thực quản, dị vật được gắp ra ngoà qua Nội soi là một mảnh xương. Hồi cứu lại cùng với người bệnh thì nguyên nhân được xác định là xương vịt. Như vậy sự bất cẩn hoặc không có khả năng kiểm soát thì ngay cả người trưởng thành cũng có thể bị tai họa của dị vật đường tiêu hoá.

PGS.TS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện Tiêu hóa Bệnh viện TƯQĐ 108 cảnh báo, người già, răng miệng kém, thậm chí đã rụng hết răng rất dễ bị dị vật đường tiêu hoá. Đồng thời trẻ nhỏ rất hay bị dị vật đường tiêu hoá do chức năng nhai kém, chưa hoàn chỉnh hoặc do chơi đùa nuốt phải dị vật. Thậm chí người trưởng thành do thói quen ăn, nhậu, bất cẩn cũng có thể mắc dị vật đường tiêu hoá. Biến chứng do dị vật đường tiêu hoá rất nặng nề mà người bệnh phải đánh đối bằng một cuộc phẫu thuật mà đôi khi bằng cả tính mạng nếu y học can thiệp không kịp thời. Đòi hỏi người bệnh phải cẩn trọng và có biện pháp kiểm duyệt khi ăn uống cho người già và trẻ nhỏ. Khi phát hiện phải khẩn trương đến viện, bằng kỹ thuật nội soi có thể cho phép chẩn đoán và gắp bỏ dị vật.

BS Đức Anh khuyến cáo, nếu phát hiện bị hóc xương hay hóc dị vật khác, tốt nhất đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không nên cố nuốt thêm thức ăn, nước hoặc chữa bằng mẹo sẽ làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa khiến bệnh càng trầm trọng thêm.

Đặc biệt, khi thấy đau khu trú, thường xuyên tại một vị trí cố định trong ổ bụng, bệnh nhân nên đến bệnh viện để thăm khám kịp thời. Hiện nay, tại Bệnh viện E các bác sĩ có thể nhanh chóng chấn đoán ra bệnh bằng một trong những phương pháp cho độ chính xác cao là chụp CT với hình ảnh chính xác cao, tái tạo hình ảnh xác định được nguyên nhân gây thủng, vị trí và kích thước của dị vật để có hướng điều trị tốt hơn.

Box: Một trong những sai lầm của nhiều người là áp dụng các cách chữa mẹo, tự ý xử lý tại nhà bằng biện pháp dân gian trước khi tìm đến các cơ sở y tế. Các phương pháp như nuốt cơm, nuốt một số loại quả, vỏ, lá… rất rủi ro, càng làm xương đâm sâu vào thực quản, gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp nuốt trôi xuống đường tiêu hóa dưới cũng có thể đâm vào dạ dày, ruột gây thủng, nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bị hóc xương, cần ngay lập tức ngưng nuốt. Cần cố gắng nôn ọe ra càng sớm càng tốt. Khi đã bị hóc, không nên ăn bất cứ thứ gì nhằm đẩy xương xuống mà nhanh chóng đến bệnh viện để giải quyết.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top