Thực phẩm không khan hiếm vì dịch corona, mà do khách thay đổi hành vi tiêu dùng

(khoahocdoisong.vn) - Những ngày qua, xuất hiện thông tin các siêu thị khan hiếm hàng hóa thực phẩm do người dân tăng cường tích trữ phòng dịch. Khiến nhiều gia đình “đổ xô” tích trữ thực phẩm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên và chuyên gia thị trường, không có tình trạng “khan hiếm thực phẩm”.
Ngồi nhà đi chợ hàng ngày qua mạng để phòng dịch an toàn và luôn có thực phẩm tươi ngon.

Ngồi nhà đi chợ hàng ngày qua mạng để phòng dịch an toàn và luôn có thực phẩm tươi ngon.

Thay đổi hành vi tiêu dùng

Theo nhân viên của một số siêu thị, từ ngày 1/2, khi Việt Nam công bố dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra, hiện tượng người dân đến mua thực phẩm với số lượng lớn để tích trữ bắt đầu xảy ra. Các siêu thị đã tăng cường cung ứng các mặt hàng thực phẩm, nhưng do người dân mua số lượng lớn, nên có những mặt hàng chưa kịp đáp ứng ngay trong một số thời điểm, dẫn đến hiện tượng "các kệ hàng trống trơn" như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, không có tình trạng thiếu hàng hóa.

Khảo sát của phóng viên KH&ĐS cho thấy, tại nhiều siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm sạch, tiện ích..., người dân mua thực phẩm với nhu cầu nhiều hơn bình thường, nhưng không có hiện tượng "cháy hàng". Nhiều người dân thậm chí đánh cả ôtô đến mua gạo, mì, sữa, rau củ với số lượng lớn cho cả tuần. Tại Vinmart, các loại rau như bắp cải, su hào, bí, rau thơm, dưa chuột, giá, khoai tây, thịt cá, mì, gạo, sữa... luôn sẵn hàng.

Các siêu thị như: BigC, Lotte, Aeon... rau và thực phẩm vẫn dồi dào, không có tình trạng khan hiếm. Các chuỗi cửa hàng thực phẩm như Clever Food, Homefarm, Bác Tôm, Hello Măm... luôn đầy đủ thực phẩm cung ứng theo nhu cầu của thị trường, không thiếu hàng. Rau xanh tại các chợ cóc, chợ truyền thống thậm chí còn bán chậm, ế hàng vì giá cả sau Tết không ổn định. Các loại thịt, trứng, hải sản, cá, gia cầm... giá ổn định bình thường, nguồn cung dồi dào.

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, nhà sáng lập FoodHub, sau khi có thông tin siêu thị cháy hàng, nhiều người tiêu dùng cũng băn khoăn hỏi FoodHub về tình trạng hàng hóa, giá cả. Tuy nhiên, theo ông Vinh, hoàn toàn không có tình trạng cháy hàng, mà các mặt hàng thực phẩm vẫn đầy đủ, sẵn có và được bán đúng giá, không tăng. Đồng thời, do lo ngại dịch Corona bùng phát, hạn chế tập trung đông người, nên nhiều khách hàng đã thay đổi hành vi mua sắm.

Thay vì đi chợ hàng ngày, hoặc tuần đi chợ vài lần, khách hàng chỉ đi một lần mua đồ ăn cho cả tuần. Do vậy, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm bị rối loạn do bị xảy ra thiếu hụt cục bộ, phải mất vài ngày cân đối hàng hóa. Nếu người tiêu dùng đi siêu thị vào ngày thường thì thực phẩm rất thoải mái.

Theo đại diện của FoodHub, các đối tác cung cấp thực phẩm tại Việt Nam đều có quy mô lớn, diện tích canh tác hàng nghìn hecta, nên không khó để cân đối, hàng hóa không thiếu và cũng khó có thể tăng giá. Mùa xuân thời tiết thuận lợi nên rau quả phát triển tốt. Chưa kể hàng hóa bị tắc ở biên giới không xuất khẩu được sẽ quay đầu về thị trường nội địa. Khả năng sắp tới giá cả còn có thể giảm nữa, đặc biệt là trái cây.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn như Vinmart, SaiGon Coop, Big C… và các chợ đầu mối để tăng cường dự trữ cũng như cung cấp hàng hóa. Theo số liệu báo cáo, các mặt hàng nhu yếu phẩm, trong đó có thực phẩm, lương thực sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Với sự chuẩn bị như hiện nay, lương thực, thực phẩm trong nước hoàn toàn có đủ trong đợt dịch bệnh.

Dùng scan&go mua hàng và hẹn giờ siêu thị giao hàng giúp các gia đình tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Dùng scan&go mua hàng và hẹn giờ siêu thị giao hàng giúp các gia đình tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Đi chợ thời công nghệ

Theo ông Trần Duy Đông, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm nay có thể giảm, do hai ngành ăn uống dịch vụ và vui chơi giải trí chịu tác động của dịch bệnh. Mặt khác, xu hướng và phương thức kinh doanh tại thị trường trong nước và bán lẻ hiện đang có xu hướng chuyển từ chợ truyền thống sang các trung tâm thương mại, siêu thị. Lý do vì người dân tìm kiếm các nguồn hàng đảm bảo an toàn thực phẩm hơn, chất lượng tốt hơn và có truy xuất nguồn gốc để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Cũng theo ông Đông, hành vi mua sắm thay đổi kéo theo thay đổi phương thức kinh doanh hàng hóa, hướng tới giao dịch điện tử, mua bán online để tránh giao tiếp trực tiếp. Vì thế, phương thức thanh toán cũng sẽ giảm dần sử dụng tiền mặt. 

Chị Nguyễn Thanh Thủy, nhân viên văn phòng Công ty Thanh Bình tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, do công việc bận rộn không có thời gian, lại dịch bệnh nên chị thường đi chợ qua mạng. Hiện có rất nhiều app cung cấp thực phẩm sạch có nguồn gốc, thậm chí được sơ chế sẵn sàng, như: dichonhanh.vn, Chopp.vn, FoodHub.vn...

Ngoài việc ngồi nhà dùng điện thoại lựa chọn order, các siêu thị, cửa hàng cử người giao hàng tận nơi, khách hàng có thể tới siêu thị để “nhìn tận mắt”, dùng Scan&Go quét mã vạch và đặt mua hàng hóa rồi đi về. Nhân viên của VinMart sẽ chuẩn bị sẵn những hàng hóa khách đã chọn và giao hàng tới tận nơi. Nhờ đó, khách hàng không phải mang vác, chạm tay vào sản phẩm để tránh lây nhiễm.

Mỗi app lại có thế mạnh riêng về mặt hàng cung cấp. Có app chuyên về sản phẩm tươi, an toàn và chất lượng từ những siêu thị và cửa hàng uy tín, có app lại cung cấp dịch vụ bán thực phẩm trực tiếp từ nông trại đến thẳng bàn ăn... 

Các app này tương tự như ứng dụng gọi taxi, có nhiều dịch vụ hỗ trợ, khuyến mại, giao hàng tận nơi, thực phẩm tươi nguyên hay đã qua sơ chế, chế biến tùy yêu cầu của khách hàng. Các khách hàng được giao hàng miễn phí trong bán kính một số km nhất định, và có nhiều khuyến mại có thể giúp đi chợ qua mạng rẻ hơn phương thức truyền thống.

Chị Thủy cũng cho biết, mỗi khi đi siêu thị, các bà nội trợ thường tiêu quá số tiền đã dự định vì lựa chọn rất nhiều thứ không cần thiết. Khi cài app, thay vì phải đau đầu nghĩ hôm nay ăn gì, đổi món thì có combo 3 ngày, combo 7 ngày cho cả gia đình. Mua theo combo vừa tiện lợi, vừa được giảm giá khuyến mại nhiều nên tiết kiệm được 1 khoản khá lớn từ việc đi chợ. Thực phẩm để trong tủ lạnh lâu không tốt cho sức khỏe nên các bà nội trợ không nên đi chợ một lần cho cả tuần. Đang lúc dịch bệnh, ai cũng tích trữ đồ ăn, thực phẩm sẽ gây áp lực cho xã hội, bị tư thương lợi dung tăng giá...

Theo Đời sống
Sầu riêng giảm giá trở lại

Sầu riêng giảm giá trở lại

Sau một thời gian tăng lên ở mức cao kỷ lục, hiện giá nhiều loại sầu riêng đã giảm trở lại từ 5.000 - 20.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 2 tuần.
Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp bình ổn thị trường vàng. Cần khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
back to top